Hàn Quốc tự đẩy mình vào thế nguy hiểm khi triển khai THAAD?
VOV.VN - Một nhân vật Hàn Quốc vừa nhận định, với việc triển khai tên lửa THAAD, Hàn Quốc có thể đẩy Trung Quốc tới chỗ coi họ là kẻ thù.
Ko Gwonil, Chủ tịch của “Ủy ban Toàn Hàn Quốc về Chống Xây Căn cứ Hải quân” trên đảo Jeju, mới đây có nói với Sputnik Hàn Quốc như sau: “Các hoạt động tập trận hải quân đang diễn ra giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có thể tạo ra và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh – điều này còn nguy hiểm hơn cả vấn đề tên lửa THAAD”.
Tàu chiến Nhật Bản. Ảnh: AFP
Hãng tin Yonhap dẫn lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 3/4 cho biết ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tàu ngầm Triều Tiên.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận kéo dài 3 ngày và diễn ra ở “vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đảo Jeju” với sự tham gia của “một khu trục hạm tên lửa dẫn đường được trang bị hệ thống Aegis, vài chiếc tàu chiến khác cùng một số máy bay trực thăng”.
Các động thái này là nhằm tìm kiếm một phản ứng hiệu quả từ ba nước nói trên đối với vấn đề “đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên đang phát triển các tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm.
Ko Gwonil chia sẻ nhận xét của mình với Sputnik Hàn Quốc: “Khi thiết lập mối quan hệ đồng minh với liên minh Mỹ-Nhật, Hàn Quốc sẽ phải tăng chi phi quân sự của họ và đặt an ninh của chính họ trong tay các nước khác”.
Ko Gwonil nhận định: “Không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên chỉ bằng cách làm như vậy. Không những thế, Hàn Quốc còn sẽ phải đối mặt với nguy cơ an ninh mới từ phía Trung Quốc, quốc gia sẽ coi Hàn Quốc như thù địch”.
Ông này cho biết: “Nếu trong quá trình hình thành một liên minh quân sự mới đó, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tạo ra các căn cứ quân sự trên đảo Jeju để đối phó với Trung Quốc, thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa bởi lẽ họ sẽ xem Hàn Quốc là “kẻ thù thực sự” thay vì chỉ là “kẻ thù tiềm tàng”.”
Chiến tranh Triều Tiên lần 2: Tàn khốc nhưng không bên nào chiến thắng
Ông Gwonil chỉ ra thêm: “Nếu chính phủ Hàn Quốc củng cố các nỗ lực của họ với hải quân Mỹ và Nhật Bản trong việc cản trở hoạt động của các tàu quân sự Trung Quốc, sẽ có một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề THAAD”.
Ko Gwonil nhớ lại sự kiện vào ngày 25/3/2017: “Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, khu trục hạm Mỹ Stethem đi vào quân cảng Jeju, với lý do là có vấn đề về hậu cần và thủy thủ đoàn cần được nghỉ ngơi”.
Hồi tháng 7/2016, Washington và Seoul đạt một thỏa thuận về việc bố trí một Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vào đầu tháng 3/2017 hệ thống này bắt đầu được triển khai để đáp trả các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên./.