Mỹ - Ấn tham vọng khiến hợp tác quốc phòng “bùng nổ” thực chất hơn

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Mỹ và Ấn Độ dự kiến có cuộc gặp 2+2 ngày 6/9 để thảo luận về hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Mỹ và Ấn Độ sẽ tìm cách “chốt” hàng loạt thỏa thuận quốc phòng trong các cuộc gặp cấp cao tuần này nhằm đưa quân đội 2 nước xích lại gần nhau hơn để đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề cuộc họp của ASEAN ở Philippines tháng 11/2017. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swarai và Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman trong cuộc gặp 2+2 ngày 6/9 để thảo luận về hợp tác giữa 2 nước.

Trung Quốc khiến Mỹ - Ấn xích lại gần nhau

Cuộc gặp này là cơ chế đối thoại cấp cao nhất giữa 2 nước và đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí từ năm ngoái nhưng từng bị hủy đến 2 lần trong năm nay.

Các quan chức và chuyên gia tin rằng cuộc gặp lần này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng mà là cơ hội để 2 quốc gia có thể tạo ra những tiến bộ cụ thể trong việc xóa nhòa những khác biệt đáng kể, trong đó có quan hệ của Ấn Độ với Nga và Iran.

“Cuộc gặp 2+2 lần này là một cơ hội lịch sử để củng cố mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển của chúng tôi và khám phá những con đường mới để tăng cường hợp tác an ninh giữa 2 nước” – quan chức quân đội Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford chia sẻ với phóng viên đi cùng phái đoàn Mỹ đến Ấn Độ lần này.

Tuần trước, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) về châu Á, ông Randall Schriver đã dự đoán rằng cuộc thảo luận lần này sẽ “cho ra kết quả thực chất”.

Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường quan hệ quốc phòng trong vòng 10 năm trở lại đây, một phần là vì mối quan ngại chung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ấn Độ cảm thấy bị báo động về việc Trung Quốc mở rộng các liên kết an ninh và kinh tế ở Nam Á. Những “người khổng lồ” châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân này từng đối đầu quân sự suốt 10 tuần hồi năm ngoái tại khu vực biên giới cao nguyên hẻo lánh bên sườn dãy Himalaya.

Trong khi đó, hồi đầu năm nay, quân đội Mỹ đã đặt lại tên của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương là Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một động thái nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn của Ấn Độ đối với Lầu Năm Góc.

Hợp tác quốc phòng “bùng nổ”?

Trong số những chủ đề cuộc gặp 2+2 lần này, Mỹ mong muốn có thể “chốt” được thỏa thuận về khuôn khổ liên lạc cho phép chia sẻ thông tin an ninh với Ấn Độ.

Mỹ từ lâu đã muốn đạt được Thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông (COMCASA) với Ấn Độ với hy vọng thỏa thuận này sẽ mở cánh cửa để Washington bán các thiết bị quốc phòng nhạy cảm cho New Delhi, chẳng hạn như phiên bản có vũ trang của các máy bay không người lái Guardian (Người bảo vệ).

Nhưng Ấn Độ lâu nay lại phản đối thỏa thuận trên bởi vì cho rằng nó quá xâm phạm vào vấn đề nội bộ của nước này. Mặc dù vậy, hồi đầu năm nay, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ chia sẻ với hãng tin Reuters rằng New Delhi đã dần từ bỏ “thành kiến” với COMCASA.

“Đây là sẽ là chuyện rất lớn” – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện là chuyên gia của tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) Alyssa Ayres nhận định. “Nếu thông báo [về COMCASA – PV] được đưa ra sau lần này, về mặt nâng cao khả năng tương tác thì đó thực sự là một bước tiến lớn”.

Reuters dẫn nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết, Mỹ và Ấn Độ cũng đang đàm phán về các thỏa thuận khác như Thỏa thuận trao đổi và hợp tác cơ bản (BECA), theo đó cho phép 2 bên chia sẻ các dữ liệu vệ tinh để điều hướng các tên lửa.

Mỹ từ lâu đã thèm muốn thị trường quốc phòng béo bở của Ấn Độ. Washington đã vươn lên là nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ với các hợp đồng có tổng giá trị gần 15 tỷ USD trong vòng 10 năm qua.

Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, 2 nước còn đang tìm cách thu xếp một cuộc tập trận chung rất lớn, dự kiến bao gồm lực lượng cả trên bộ, trên biển và trên không. Tuy nhiên chưa có thêm chi tiết cụ thể nào về cuộc tập trận này.

Hai nước từng tổ chức các cuộc tập trận chung của hải quân, không quân và thập chí là lực lượng đặc nhiệm nhưng các cuộc tập trận phối hợp cả 3 lực lượng sẽ có quy mô lớn chưa từng có và cho thấy hợp tác quốc phòng song phương đã được nâng lên cấp độ mới.

Nga và Iran – Trở ngại lớn cho hợp tác Mỹ - Ấn

Dù có rất nhiều nhận định lạc quan trước cuộc gặp 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ lần này, các quan chứ Mỹ vẫn biết rằng 2 nước sẽ còn nhiều bất đồng đáng kể.

“Ấn Độ vẫn luôn băn khoăn về tính cố kết trong chiến lược của Mỹ và lo rằng Washington đang theo đuổi chính sách không phù hợp với các lợi ích cốt lõi của New Delhi như là việc nước này tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí của Nga và dầu lửa của Iran” – Đồng giám đốc Chương trình Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, ông Sameer Lalwani nhận định.

Mỹ cũng lo ngại về việc Ấn Độ định mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga mà theo đó bất cứ nước nào dính líu đến lĩnh vực quốc phòng và tình báo của Moscow cũng có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ Washington. Tuy nhiên, một đạo luật quốc phòng mới sẽ trao quyền cho tổng thống dỡ bỏ các trừng phạt đó nếu chúng phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia.

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Schriver cho rằng, không có điều gì đảm bảo Ấn Độ sẽ được miễn trừng phạt nếu nước này mua hệ thống vũ khí của Nga nhưng Lầu Năm Góc để ngỏ cánh cửa đối thoại với New Delhi về việc cung cấp những hệ thống thay thế S-400.

Thực tế, Ấn Độ đã đàm phán gần xong với Nga về hệ thống tên lửa trên và dự định triển khai chúng dọc biên giới với  Trung Quốc. Mấy tháng gần đây, 2 bên đã tìm cách “chốt” thỏa thuận này trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Ấn Độ dự cuộc gặp thượng đỉnh thường niên đầu tháng 10 tới.

Ngoài vấn đề liên quan đến Nga, Mỹ cũng đang hối thúc các nước dừng nhập khẩu dầu từ Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung tổng thể (JCPOA) năm 2015 giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Trong khi đó, Ấn Độ là khách hàng hàng đầu của ngành dầu lửa Iran, chỉ sau Trung Quốc và New Delhi đến nay vẫn chưa quyết định về việc có cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran hay không, hoặc cắt giảm bao nhiêu. Ấn Độ được cho là vẫn đang chờ Mỹ “bỏ qua” cho họ về vấn đề này.

Trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng của Iran theo kế hoạch sẽ được áp đặt lại vào ngày 4/11 và Ấn Độ có thời gian cũng như cơ hội để thương thảo với Mỹ về vấn đề này.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ngồi lại và có một cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn, sáng suốt để xem chúng ta có được gì từ phía bên kia” – ông Schriver dự đoán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ: Ấn Độ phải trả giá đắt?
Bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ: Ấn Độ phải trả giá đắt?

VOV.VN - Mức thuế mới của Ấn Độ đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nếu được thực thi, có thể gây phản ứng dữ dội từ chính quyền Tống thống Trump.

Bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ: Ấn Độ phải trả giá đắt?

Bước vào cuộc chiến thương mại với Mỹ: Ấn Độ phải trả giá đắt?

VOV.VN - Mức thuế mới của Ấn Độ đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nếu được thực thi, có thể gây phản ứng dữ dội từ chính quyền Tống thống Trump.

Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3: “Xây dựng cấu trúc khu vực”
Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3: “Xây dựng cấu trúc khu vực”

VOV.VN - Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, kinh tế, thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương và các vùng lân cận.

Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3: “Xây dựng cấu trúc khu vực”

Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3: “Xây dựng cấu trúc khu vực”

VOV.VN - Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề an ninh, kinh tế, thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương và các vùng lân cận.

Pháp - Ấn bắt tay, Ấn Độ Dương và nỗi ám ảnh Trung Quốc
Pháp - Ấn bắt tay, Ấn Độ Dương và nỗi ám ảnh Trung Quốc

VOV.VN - Pháp muốn Ấn Độ trở thành đối tác an ninh-kinh tế số 1, trong khi Ấn Độ tìm kiếm hỗ trợ từ Pháp nhằm đối trọng với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Pháp - Ấn bắt tay, Ấn Độ Dương và nỗi ám ảnh Trung Quốc

Pháp - Ấn bắt tay, Ấn Độ Dương và nỗi ám ảnh Trung Quốc

VOV.VN - Pháp muốn Ấn Độ trở thành đối tác an ninh-kinh tế số 1, trong khi Ấn Độ tìm kiếm hỗ trợ từ Pháp nhằm đối trọng với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ qua Shangri-La 2018
Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ qua Shangri-La 2018

VOV.VN - Lần đầu tiên một vị Thủ tướng Ấn Độ sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La này.

Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ qua Shangri-La 2018

Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ qua Shangri-La 2018

VOV.VN - Lần đầu tiên một vị Thủ tướng Ấn Độ sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La này.

Mỹ đầu tư mới 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Mỹ đầu tư mới 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 công bố khoản đầu tư mới trị giá 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mỹ đầu tư mới 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mỹ đầu tư mới 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 công bố khoản đầu tư mới trị giá 113 triệu USD vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.