Nga giăng lưới chắn thép ở Địa Trung Hải yểm trợ Syria chống khủng bố
VOV.VN - Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, giăng lưới chắn thép tại Địa Trung Hải bằng tên lửa hành trình Kalibr sẽ giúp Syria chống lại mối đe dọa khủng bố.
Lưới chắn thép bằng tên lửa hành trình Kalibr
Tổng thống Nga Putin hôm 16/5 cho biết, các tàu hải quân của Nga được trang bị tên lửa hành trình Kalibr sẽ hoạt động liên tục tại Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn khả năng các nhóm khủng bố ở Syria trỗi dậy.
Tên lửa hành trình Kalibr bắn từ một tàu chiến. Ảnh: Sputnik. |
Phát biểu trong cuộc gặp các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Trước mối đe dọa tổ chức khủng bố quốc tế xâm nhập vào Syria, hải quân Nga vẫn duy trì nhiệm vụ ngoài khơi Syria, tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr sẽ thường trực trên biển Địa Trung Hải. Các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và sự hoạt động hiệu quả của máy bay chiến đấu đã gây tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng khủng bố, xóa bỏ các căn cứ quân sự và cơ sở hả tầng chủ chốt của chúng. Những nhiệm vụ quan trọng này có thể được thực hiện nhờ năng lực chiến đấu và vũ khí công nghệ cao của Hải quân”.
Tên lửa hành trình Kalibr có tầm bay xa vào khoảng 2.500 km. Các tổ hợp tên lửa này đang được trang bị trên các tàu ngầm của đề án 885 "Yasen" và đề án 636. "Kalibr" đã được sử dụng để chống lại phiến quân ở Syriavà phát huy hiệu quả tối đa.
Ông Putin cho biết thêm, hải quân Nga sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự ngoài khơi và các cuộc tập trận. Hiện nay, khoảng 102 chiến dịch trên biển có sự tham gia của tàu chiến và tàu ngầm Nga đang được thực hiện.
Tổng thống Putin còn ca ngợi năng lực triển khai quân ra nước ngoài của lực lượng hải quân Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh kinh tế và bảo vệ các lợi ích của quốc gia. Theo ông, khối lượng công việc của Hải quân Nga cùng với sự hiện diện của lực lượng này tại Địa Trung Hải, Bắc Đại Tây Dương và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trong thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục củng cố năng lực hạt nhân để giúp lực lượng Hải quân chống lại mọi mối đe dọa hạt nhân.
“Phát triển các nhóm tàu đa chức năng nhằm chống lại những mối đe dọa quân sự trên biển là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng không quân vũ trụ Nga với các đơn vị khác trong lực lượng vũ trang”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cam kết sẽ tiếp tục cung cấp cho lực lượng hải quân các loại vũ khí hiện đại nhất, hệ thống thông tin liên lạc, thông tin tình báo và trang thiết bị cần thiết phù hợp với chương trình trang bị vũ khí của Nga.
Trong 3 tháng đầu năm 2018, Hải quân Nga đã tiếp nhận một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, 3 chiếc tàu chiến, 2 máy bay trực thăng và 46 tên lửa hành trình Kalibr. Nga đang tích cực hiện đại hóa vũ khí và trang thiết bị quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong các mối quan hệ quốc tế. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến chi 20 nghìn tỷ rúp (325.3 tỉ USD) cho chương trình vũ khí 2018-2027.
“Thâm thù” không dễ hóa giải khiến Iran và Israel quyết đấu tại Syria?
Chính phủ Syria giành phần lớn lãnh thổ
Nga hiện duy trì một lực lượng hải quân lớn mạnh gồm 15 tàu chiến ở Đông Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, nước này cũng có 2 căn cứ quân sự ở Syria phục vụ mục tiêu chống khủng bố gồm căn cứ không quân Hmeymim nằm gần Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus (thuộc Syria)
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu về khủng bố và nổi dậy Jane (JTIC) công bố ngày 15/5 vừa qua, các cuộc không kích chống phiến quân và khủng bố ở Syria đã gia tăng 150% kể từ khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột tại quốc gia này. Nhờ sự can dự của Nga, chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad đã giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria.
Báo cáo cho biết, có 14% trong tổng số các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, diện tích lãnh thổ được quân đội Syria giải phóng đã tăng từ 16% vào tháng 9/2015 tới 47% tính đến tháng 3/2018. Chiến dịch quân sự của Nga không chỉ đảm bảo giữ vững vị thế của Tổng thống Assad mà còn thay đổi cục diện chiến tranh Syria.
Người đứng đầu Trung tâm JTIC nhận định: “Nhờ được Nga yểm trợ, chính phủ Syria có thêm nhiều thời gian tập trung lực lượng chiến đấu giành lại những khu vực trọng yếu, đồng thời sử dụng các đòn tấn công vũ bão nhằm chiếm lại lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của khủng bố và phe đối lập”.
Lực lượng của Tổng thống Assad đã tái chiếm thành công các thành phố lớn như Aleppo, Homs, khu vực Đông Ghouta, đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới giữa Syria và Lebanon, chống lại các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo ở Idlip. Từ tháng 9/ 2015 đến tháng 3/ 2018, số vụ không kích của Nga và Syria đã tăng lên từ 2.735 đến 6.833. Trong số này có 960 vụ nhằm vào sào huyệt của IS, phần còn lại chống các nhóm phiến quân hoặc phe đối lập./.