Nhật Bản tập trận hải quân rầm rộ với ý đồ gì?
VOV.VN - Các hoạt động tập trận hải quân rầm rộ của Nhật Bản được coi là sự khởi đầu cho việc thực hiện luật an ninh mới mà Quốc hội nước này vừa thông qua.
Giới quan sát cho rằng tham vọng “nước lớn quân sự” của Tokyo đang dần được thực hiện.
Tàu Hải quân Mỹ- Nhật tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh minh họa: Wikipedia |
Tham vọng
Trong kết quả nghiên cứu “Chiến lược tổng hợp hướng đến thế kỷ XXI”, do 10 cơ quan của Chính phủ Nhật Bản công bố năm 1975. Theo đó, Nhật Bản khẳng định, kiên quyết thay đổi hình ảnh “kinh tế mạnh, chính trị yếu”, “xóa bỏ vết tích chiến bại”, chuyển hướng từ “nước lớn kinh tế” sang “nước lớn chính trị”, tạo ra một “thế kỷ Nhật Bản huy hoàng”.
Trước đó, năm 1967, Nhật Bản đề ra “Ba nguyên tắc” cam kết không xuất khẩu vũ khí để xóa đi sự quan ngại của thế giới đối với việc tái quân sự hóa của nước này, nhưng năm 1983 Nhật Bản đã sửa đổi là có thể cung cấp công nghệ vũ khí cho quân đội Mỹ.
Tháng 12/2011, Chính phủ Nhật Bản lại quyết định “nới lỏng lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí” để tăng ngân sách quốc phòng nhằm thực hiện hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân; tăng cường sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực; thúc đẩy khả năng xuất khẩu vũ khí. Và nay thì lệnh cấm nêu trên đã được gỡ bỏ hoàn toàn.
Tiếp đó Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng, thúc đẩy khả năng hợp tác, nghiên cứu phát triển công nghệ vũ khí hiện đại với các nước: Mỹ, Australia, Hàn Quốc và các thành viên NATO, qua đó giúp quân đội Nhật Bản đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nhằm đối phó với các thách thức tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong cuốn sách “Nhật Bản đứng đầu”, học giả nổi tiếng người Mỹ viết: “Với cơ cấu chính trị và sức mạnh kinh tế như hiện nay thì không có nước nào có thể cùng tham gia lãnh đạo thế giới bằng Nhật Bản”.
Còn ông Satoru Mizushima, nhà sáng lập Tập đoàn Ganbare Nippon luôn ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe lại phàn nàn rằng: “Cứ trưng ra hình ảnh một nước Nhật yếu ớt, kẻ thù sẽ lấn tới. Chẳng có lý do gì chúng ta (tức Nhật) để bị dẫm chân cả trong khi chúng ta có lực lượng hải quân đứng thứ 3 trên thế giới”.
Triển khai
Nhật Bản đã quyết định chi 24.700 tỷ yên (240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng 5 năm (2014-2019) tăng 5% so với các năm trước đó. Trong khi Trung Quốc tăng 170%.
Theo đó, Nhật Bản chi cho việc mua 3 máy bay không người lái, 3 máy bay tiếp dầu trên không, 4 máy bay cảnh báo sớm, 17 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 99 xe chiến đấu, 52 xe đổ bộ bảo vệ mặt đất, trên biển và trên không.
Quan chức Hải quân Mỹ- Ấn- Nhật họp bàn trước cuộc tập trận chung Malabar 2015, nơi Nhật Bản là khách mời tham dự. Ảnh Hải quân Mỹ |
Về lực lượng, Nhật Bản sẽ thành lập đơn vị đổ bộ mới, triển khai các đơn vị sử dụng máy bay không người lái, cảnh báo sớm… Giới chuyên gia cho rằng, quân đội Nhật Bản hiện đang sở hữu lực lượng Không quân và Hải quân dẫn đầu châu Á, với 94 máy bay tiêm kích, trong đó có F-15J được coi là thế hệ 4+ tốt nhất thế giới; Hải quân gồm 45.500 quân nhân với 114 tàu khu trục, tàu chiến, trực thăng và hàng không mẫu hạm.
Quân đội Nhật đã được huấn luyện để có khả năng tác chiến ở các đảo xa; phối hợp các chiến dịch lớn và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ; tăng số lượng máy bay chiến đấu tại căn cứ quân sự Naha (Okinawa) thành hai khu vực để duy trì ưu thế trên không.
Tăng cường các lực lượng và phương tiện trinh sát, cảnh báo sớm và giám sát, để bảo vệ biển, đảo, không phận… trước hết là tăng cường sức mạnh quân sự cho các lực lượng ở phía Đông Nam Nhật Bản, để có thể thiết lập lực lượng tấn công đổ bộ và thực hiện quyền phòng thủ tập thể trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.
Kế hoạch này đã được Thủ tướng Abe đề xuất ngay từ khi ông mới lên cầm quyền và đây cũng là kế hoạch tăng quân lớn nhất trong vòng 20 năm qua nhằm tăng cường và củng cố vững chắc các hoạt động giám sát ở khu vực Tây Nam đất nước.
Việc thành lập NSC được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Abe nhằm điều chỉnh thế trận quốc phòng và tăng cường năng lực tác chiến của quân đội Nhật Bản.
Hiện thực hóa
Kể từ khi Quốc hội Nhật Bản chính thức thông qua Luật an ninh mới, thì cuộc diễn tập Malabar được coi là lớn nhất và nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên biển Malabar Mỹ-Nhật-Ấn kéo dài từ ngày 14- 9/10 ở Chennai, miền nam Ấn Độ.
Theo hãng tin BBC (Anh), cuộc diễn tập quân sự gồm hai phần: 2 ngày đầu tại cảng Chennai nhằm tăng cường giao lưu hải quân 3 nước; và 4 ngày tiếp theo là hoạt động của các tàu chiến tại vùng nước sâu thực hiện các nhiệm vụ giả định: chống hạm, săn ngầm và tác chiến phòng không.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt đội danh dự Hải quân. Ảnh AP |
Tại đây, Nhật Bản đã cử tàu khu trục tên lửa Fuyuzuki lớp Akizuki dùng để chống hạm và săn ngầm; Ấn Độ cử 4 tàu chiến, trong đó có 1 tàu khu trục lớp Rajput, 1 tàu hộ vệ lớp Brahmaputra, 1 tàu hộ vệ lớp Shivalik, 1 tàu chi viện hạm đội và 1 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo.
Còn Mỹ có lực lượng hùng hậu hơn gồm: tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt; tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân USS Corpus Christi (SSN 705) lớp Los Angeles; và tàu tuần duyên mới USS Fort Worth LCS-3 và 1 tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Theo BBC, đây là lần đầu tiên Nhật Bản điều tàu chiến ra nước ngoài sau khi thông qua Dự luật bảo đảm an ninh mới. Báo Mỹ dự đoán, Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập quân sự Malabar với tư cách thành đối tác lâu dài.
Giới phân tích cho rằng: “Nhật Bản trở thành nước thành viên lâu dài của diễn tập hải quân Malabar, điều này đánh dấu sự chuyển biến của quan hệ hải quân Mỹ-Ấn-Nhật”.
Hãng tin Jiji Press (Nhật Bản) bình luận, cùng với việc tăng cường bảo đảm an ninh biển liên hợp, ba nước muốn kiềm chế Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương.
Cũng nhằm thể hiện sức mạnh hải quân hiện đại của Tokyo, ngày 18/10, Hạm đội hỗn hợp gồm cả hàng không mẫu hạm, tàu tuần dương, tàu tên lửa và tàu ngầm đã tập trung tại bờ biển Nhật Bản.
Đây là lần trình diễn khí tài quân sự lớn đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi thủ tướng Abe đạt thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua Dự luật an ninh mới.
Động thái trên của Nhật Bản được xem là nỗ lực cải thiện khả năng phòng vệ chung với đồng minh và đối tác, mở rộng ảnh hưởng trong công cuộc giữ gìn an ninh khu vực và cũng nhằm tạo ra đối trọng về quân sự với Trung Quốc.
Tham gia buổi trình diễn với hải quân Nhật Bản lần này có cả các tàu chiến của các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Mỹ. Trong đó, Tokyo đã trình diễn chiến hạm đổ bộ chở trực thăng JS Izumo - tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II.
Được biết, JS Izumo mới đưa vào biên chế 3/2015, có chiều dài 248 mét, chở được 28 máy bay cỡ chuẩn, 14 máy bay cỡ nhỏ, hoặc 400 binh lính cùng 50 xe tải 3,5 tấn. Chi phí đóng tàu này lên tới 1,5 tỷ USD. Theo thiết kế JS Izumo có thể phù hợp với cả máy bay chiến đấu F-35A, F-35B mà Nhật Bản mới mua.
Như vậy, “nước lớn quân sự” là tham vọng “thầm kín” của Tokyo từ lâu nay đã thành hiện thực. Với sức mạnh Hải quân đứng thứ 3 thế giới, hành lang pháp lý đã được cởi mở, khiến Nhật Bản có thể có đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh khu vực, nhất là an ninh biển Hoa Đông và Biển Đông./.