Dự án đang triển khai tại Karnataka được giữ bí mật hoàn toàn đối với giới truyền thông trong nước, và báo chí Ấn Độ dường như chỉ biết về việc này nhờ vào phóng sự của tổ chức điều tra phi chính phủ Center for Public Integrity (CPI), trụ sở tại Washington (Mỹ).
|
Tên lửa hạt nhân Agni V của Ấn Độ trong một cuộc diễu binh. (Ảnh: Reuters). |
Bảo vệ cẩn mật
New Delhi chưa bao giờ công bố chi tiết về kho hạt nhân của mình sau mấy thập niên phát triển. Thế nhưng, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính nước này đang sở hữu từ 90 đến 110 vũ khí hạt nhân, so với 120 của quốc gia láng giềng Pakistan và 260 của Trung Quốc.
Theo John Carlson, cựu Giám đốc Cơ quan giải giới hạt nhân Úc, Ấn là một trong 3 nước tiếp tục sản xuất vật liệu
Trong bài điều tra được tờ Foreign Policyđăng lại, CPI cho biết vào đầu năm 2012, các đội khảo sát của chính phủ Ấn đã bắt đầu khai phá một vùng đồng cỏ rộng lớn ở bang Karnataka. Bất chấp đơn kiện của bộ lạc du canh du cư Lambani sinh sống bao nhiêu đời nay ở vùng đất này, công tác xây dựng vẫn tiếp tục được triển khai.
Mới đây, giới chuyên gia Mỹ tiết lộ thành phố Challakere thuộc bang Karnataka sẽ là nơi đặt những phòng thí nghiệm nghiên cứu nguyên tử, các máy ly tâm cỡ lớn và cực kỳ phức tạp ở cấp độ quân sự, cũng như những cơ sở thử nghiệm vũ khí và máy bay các loại.
Hai tổ chức liên quan trực tiếp với dự án xây dựng thành phố hạt nhân này là Tổ chức Phát triển và nghiên cứu quốc phòng (DRDO) và Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC), theo CPI. Sau khi gửi đơn kiện lên tòa dân sự Karnataka vào năm 2012, các luật sư thuộc Tổ chức Hỗ trợ môi trường, đại diện cho bộ lạc Lambani, phát hiện dự án trên bắt đầu manh nha từ tháng 3.2007, dựa trên thư tín của bộ trưởng quốc phòng lúc đó là ông A.K.Antony với đại diện quốc hội tại địa phương.
Đến tháng 5.2009, tức 7 tháng sau khi quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân Ấn - Mỹ, chính quyền bang Karnataka đã bí mật cho DRDO thuê 17,36 km2 liền kề các làng Varavu Kaval và Khudapura thuộc huyện Chitradurga, và thêm 6 km2 cho Viện Khoa học Ấn Độ, đơn vị nghiên cứu thường xuyên hợp tác với DRDO và ngành hạt nhân nước này. Đến tháng 10.2010, chính quyền bang tiếp tục nhượng 2,32 km2 đất cho Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ, còn BARC mua lại 7,32 km2. Quân đội cũng được cấp 40,46 km2 nhằm chuẩn bị xây dựng căn cứ cho sư đoàn gồm 2.500 binh lính. Cảnh sát dự bị bang tiếp nhận 1,4 km2 và thêm 2 km2 cho trung tâm huấn luyện biệt kích. Nói tóm lại, thành phố hạt nhân của Ấn Độ sẽ được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt trong vòng vây của quân đội và lực lượng bán quân sự.
Tham vọng nhiệt hạch
Một khi được hoàn tất vào năm 2017, nơi đây sẽ làm bệ phóng cho những mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền New Delhi: mở rộng các cuộc nghiên cứu nguyên tử, sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân và cung cấp năng lượng cho hạm đội tàu ngầm mới của nước này. Tuy nhiên, những quan chức về hưu của chính phủ Ấn Độ và các chuyên gia độc lập ở Anh và Mỹ còn tiết lộ rằng thành phố bí mật tại Challakere sẽ sản xuất uranium làm giàu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí nhiệt hạch.
Dù không được giới hữu trách chính thức thừa nhận, nhưng các nhà phân tích phương Tây cho hay quá trình chuẩn bị cho nỗ lực làm giàu hạt nhân chính thức bắt đầu cách đây khoảng 4 năm, tại một địa điểm tuyệt mật thứ hai gọi là Nhà máy Vật liệu hiếm, cách Challakere khoảng 255 km về phía nam, gần thành phố Mysore. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh của cơ sở trên vào năm 2014 đã cho thấy sự tồn tại của một khu phức hợp làm giàu hạt nhân mới, đang cung cấp vật liệu cho chương trình vũ khí của Ấn Độ.
Một số chuyên gia phân tích phương Tây xác nhận rằng nơi này đang thiết lập nền tảng cho một dự án chế bom nhiệt hạch đầy tham vọng. Nó đóng vai trò là bãi thử nghiệm hiệu quả cho Challakere, nơi các chuyên gia kỹ thuật có thể thực hành công tác sản xuất uranium làm giàu ở cấp độ cần thiết cho quân đội.
Theo CPI, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và biến đổi khí hậu Ấn Độ vào tháng 10.2012 đã thông qua công trình xây dựng Nhà máy Vật liệu hiếm tại Mysore và liệt dự án này vào “tầm quan trọng ở mức chiến lược”, với ngân sách dự chi gần 100 triệu USD. Vật liệu cung cấp cho nhà máy được lấy từ các khu mỏ uranium tại làng Jadugoda ở miền bắc, cách đó 1.930 km.
Gary Samore, cựu điều phối viên kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Nhà Trắng, nhận định rằng Ấn Độ có ý đồ chế tạo vũ khí nhiệt hạch để bổ sung cho kho vũ khí chiến lược trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Robert Kelley, trưởng đoàn thanh sát hạt nhân Iraq thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ năm 1992 - 1993 và 2001 - 2005, cho hay sau khi phân tích ảnh vệ tinh, cũng như nghiên cứu các tài liệu về hai địa điểm tuyệt mật của Ấn Độ, ông cho rằng New Delhi đang theo đuổi mục tiêu mở rộng kho vũ khí nhiệt hạch. Ông đặc biệt cảnh báo rằng diễn biến tại Ấn Độ “chắc chắn sẽ làm bùng nổ một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới” trong khu vực vốn nhiều bất ổn./.