Trân Châu cảng: Ký ức lính Mỹ bất ngờ bị quân Nhật giội bom lên đầu
VOV.VN - Đúng 74 năm về trước, máy bay Nhật từ trên trời lao xuống trút bom vào các tàu hải quân của Mỹ ở Trân Châu cảng. Quân Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ.
Sáng 7/12/1941, hạ sĩ quan John W. Finn đang ngủ trong phòng gần ga hàng không hải quân ở vịnh Kaneohe (Hawaii).
Đột nhiên máy bay lao vù vù cạnh cửa sổ buồng ngủ. Anh nghe thấy tiếng súng máy chát chúa.
Cảnh tái hiện phi cơ cảm tử Thần Phong của Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng của Mỹ, tạo ra các cột lửa lớn. Ảnh: Bussines Insider. |
Mặc vội quần áo, anh lao vào xe hơi rồi phóng tới căn cứ. Ban đầu anh còn phóng trong giới hạn tốc độ cho phép. Khi một chiếc máy bay gầm rú trên đầu và Mặt trời hồng bừng sáng trên cánh máy bay, Finn quyết định giậm ga hết tốc độ.
Trong khi đó, Đại tá Samuel G. Fuqua đang ở dưới boong tàu USS Arizona. Nghe thấy còi phòng không, ông lao lên boong sĩ quan.
Sau này ông kể với một ủy ban của Quốc hội Mỹ: “Lúc nghe thấy tiếng phi cơ ngay trên đầu, tôi ngước lên và thấy một trái bom đang rơi, như thể sắp rơi xuống đầu tôi và hoặc gần đó.”
Đại úy Jackson C. Pharris là một pháo thủ trên tàu USS California gần đó. Anh phụ trách một nhóm sửa vũ khí trên boong thứ 3 thì một quả ngư lôi Nhật đánh vào gần như ngay bên dưới trạm của anh.
Vụ nổ ngay sau đó thổi bay người quân nhân văng lên trần thép. Anh sau đó rớt xuống, choáng và bị thương do va đập mạnh ở vùng đầu.
Cuộc tấn công của phát xít Nhật vào Trân Châu cảng là một đòn bất ngờ đối với nước Mỹ. Đây là một thảm kịch đối với hải quân Mỹ. Hai mươi mốt tàu lớn của Mỹ bị đánh đắm. Hơn 300 phi cơ bị hư hại hoặc phá hủy. Gần một nửa số thủy thủ và nhân viên dân sự trên tàu chiến Arizona (2.403 người) đã thiệt mạng.
Nhưng sau khi bị tấn công bất ngờ, nhiều thủy thủ và binh sĩ khác đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và phản kích. Trong số họ, 15 người sau đó được tặng thưởng danh hiệu quân sự cao quý nhất – Huân chương Danh dự. Trong 15 người này, 10 người là được truy tặng.
Trận Trân Châu cảng là một thắng lợi ở cấp chiến thuật cho Nhật Bản nhưng lại là một thất bại lớn về chiến lược của họ. Chính do cú đánh này, người Mỹ đoàn kết lại và tham chiến một cách toàn diện vào cuộc chiến chống phát xít Nhật ở Thái Bình Dương.
Finn là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Danh dự.
Finn phụ trách bảo dưỡng vũ khí cho chuyến bay của các tàu bay PBY Catalina thuộc hải quân.
Tàu hải quân Mỹ bị máy bay Nhật phá hủy. Ảnh tư liêu: Japan Times. |
Khi tới căn cứ, anh nhận ra rằng hầu hết máy bay đều đã bốc cháy do loạt bom của quân Nhật. Một số binh sĩ Mỹ đang cố dùng các súng máy ngay trên các máy bay này để bắn trả quân thù. Số khác thì tháo súng máy khỏi máy bay để dùng riêng.
Finn lấy ra một khẩu súng máy cỡ nòng .50. Anh đặt nó lên một trạc 3 chân vốn dùng để huấn luyện. Sau đó anh nhả đạn vào hàng hàng lớp máy bay Nhật đang bổ nhào xuống trong hai giờ đồng hồ kế tiếp.
Finn bị 21 vết thương. Một viên đạn xuyên qua bàn chân của anh. Anh không dùng được tay trái nữa. Finn nghĩ mình bắn trúng một máy bay.
Vào ngày 15/9/1942, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Chester Nimitz trao cho Finn tấm Huân chương Danh dự vì “lòng can đảm lớn lao khi đối mặt với tử thần”.
Về phần mình, Đại tá Fuqua bị ngất xỉu do quả bom nổ gần. Quả bom bật ra từ tháp pháo, xuyên qua boong tàu và nổ bên trong phòng nhỏ của viên đại tá hải quân.
Fuqua về sau kể lại: “Tôi thấy toàn bộ vùng giữa tàu chìm trong biển lửa”.
Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử
Đại tá Fuqua sau đó chỉ đạo cứu hộ và dập lửa. Sau đó có thêm một tiếng nổ kinh hồn nữa. Khi ấy, Fuqua nhận ra rằng số phận con tàu thế là xong. Ông là sĩ quan cao cấp còn sống sót. Ông ở tại chỗ và tiếp tục bình tĩnh chỉ huy việc đưa những người bị thương và sống sót ra các thuyền cứu hộ. Ông không rời khỏi tàu đến khi tất cả những ai có thể cứu được đã được đưa đi.
Hình ảnh can trường bám tàu đến phút chót của vị đại tá chỉ huy tàu này đã truyền cảm hứng cho các thủy thủ còn lại.
Trên tàu California, pháo thủ Pharris đã tổ chức cho các thuyền viên còn sống truyền tay nhau đạn lên vị trí các khẩu cao xạ ở trên cao. Nước và dầu xối vào qua các lỗ hổng toang hoác. Các quân nhân bắt đầu phải hứng chịu khói dầu dày đặc.
Pharris hai lần bị ngất vì khói nhưng anh sau đó vẫn vào các phòng bị ngập dầu để kéo các đồng đội bị ngất ra chỗ an toàn.
Lời vinh danh Pharris trong lễ trao tặng Huân chương Danh dự có nêu: “Anh ấy đã cứu sống nhiều đồng độ trên tàu và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của tàu California khi bị tấn công”.
Pharris sống sót sau vụ tấn công nhưng phải ở viện cho đến tháng 3/1942. Vào cuối cuộc chiến tranh chống Nhật, khi đang ở trên một tuần dương hạm trong vùng biển của Nhật Bản, anh đã bị thương một lần nữa sau khi giúp bắn hạ một máy bay Thần Phong cố gắng lao xuống tàu của anh.
Tổng thống Mỹ Harry Truman đã trao tặng Huân chương Danh dự cho Pharris vào năm 1948.
Trong số 12 người còn lại được nhận Huân chương Danh dự, có các sĩ quan chỉ huy tử trận ở vị trí của mình, trong đó có 2 đại tá và một Chuẩn Đô đốc./.