Triều Tiên thử ICBM, Trung Quốc khoe tên lửa tân tiến, tầm bắn tới Mỹ
Trung Quốc trình làng mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn tới Mỹ. Liệu sự kiện này có liên quan đến vụ Triều Tiên vừa thử tên lửa?
Sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14, Trung Quốc đã lần đầu trình làng một mẫu tên lửa cũng là đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ và châu Âu. Liệu hai sự kiện là tình cờ hay hữu ý?
Tên lửa tân tiến
Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-31AG, được cải tiến từ mẫu DF-31A và được trình làng nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 30/7.
Lần đầu tiên tên lửa Đông Phong 31-AG được trình làng. Ảnh: Xinhua. |
Hệ thống tên lửa mới có tầm bắn tương tự với mẫu DF-31A, khoảng 11.000 km, đủ để vươn tới hầu hết các địa điểm lục địa Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, hệ thống mới sẽ linh động hơn nhờ thiết kế phương tiện vận chuyển mới.
Đông Phong-31AG được đặt trên phương tiện vận chuyển có 8 trục xe, có thể di chuyển trên mọi địa hình. Còn xe chở DF-31A chỉ hoạt động được trên đường có bề mặt cứng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) dẫn nhận định của chuyên gia quân sự tại Macau(Trung Quốc) Antony Wong Dong nhận định: Loại hệ thống tên lửa mới này áp dụng công nghệ của tên lửa tầm trung như DF-26 và tên lửa tầm xa DF-41. Các tên lửa mới không cần chuẩn bị bãi phóng trước vì phương tiện vận chuyển có thể dừng lại bất kỳ lúc nào để phóng đầu đạn hạt nhân.
Theo chuyên gia Wong Dong, nhờ đó mà năng lực của tên lửa được tăng cường đáng kể.
Tên lửa có khả năng linh động cao thường là các mối đe dọa chiến lược lớn hơn so với những tên lửa được triển khai từ hầm dưới mặt đất vì nó có thể được di chuyển và mang đi giấu, tránh bị vệ tinh và các thiết bị khác phát hiện. Nhờ đó, tên lửa này khó bị tìm thấy hơn và có thể tránh trở thành mục tiêu tấn công trong xung đột.
Ông Zhou Chenming, một nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh, nhận định Đông Phong-31AG có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc một đầu đạn hạt nhân truyền thống cỡ lớn.
Theo ông Zhou, Trung Quốc đang tiến tới phát triển tên lửa đạn đạo có thể bắn cả đầu đạn truyền thống và hạt nhân. Ông nói: “Chúng ta không còn trong thời Chiến tranh Lạnh nữa. Những vũ khí cực kỳ mạnh như tên lửa hạt nhân không còn là dòng chủ lưu. Chúng ta vẫn sẽ duy trì sức mạnh hạt nhân nhưng khi chúng ta đối mặt với các mối đe dọa thông thường, chúng ta không cần dùng đầu đạn hạt nhân để tấn công mà thay vào đó, sẽ cần đầu đạn truyền thống”.
Theo Nhật báo PLA, phát triển tên lửa đất đối đất có khả năng tấn công bằng đầu đạn hạt nhân và truyền thống là một xu hướng không thể lay chuyển.
Tuy nhiên, chuyên gia Wong Dong cho rằng mẫu Đông Phong-31AG mới dường như chỉ có thể mang một đầu đạn và việc nó có thể mang đầu đạn hạt nhân chỉ là đồn đoán.
Ông nói: “Tên lửa này không nên chồng lấn chức năng với DF-41 (ICBM nhiều đầu đạn) và nên phục vụ một mục đích khác”.
Ngoài Đông Phong-31AG, khoảng 300 loại vũ khí cũng đã lần đầu được trình diễn tại cuộc diễu binh này.
Trung Quốc có dụng ý gì không?
Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ), việc Trung Quốc “khoe” ICBM vươn tới Mỹ ngay sau khi Triều Tiên phóng ICBM “có lẽ là tình cờ”.
Cuộc diễu binh lớn ngày 30/7 do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Cuộc diễu binh diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc vì thất bại trong kiềm chế Triều Tiên.
Không giống như các cuộc phô trương sức mạnh quân sự trước, Trung Quốc tổ chức sự kiện ngày 30/7 tại căn cứ quân sự Zhurihe hẻo lánh ở Nội Mông thay vì trung tâm Bắc Kinh.
Zhurihe là trung tâm huấn luyện quân sự lớn nhất châu Á, nằm ở giữa sa mạc, có các mô hình to như thật của các mục tiêu như phủ lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc).
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ren Guoqiang cho biết căn cứ Zhurihe được chọn để nhấn mạnh tính sẵn sàng chiến đấu của PLA. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc tập luyện ở đây không liên quan tới tình hình hiện tại trong khu vực.
Mỹ hối thúc HĐBA họp khẩn về việc Triều Tiền phóng tên lửa đạn đạo
Bối cảnh mà ông Guoqiang nhắc tới là việc Triều Tiên vừa thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 28/7 và tuyên bố nó có thể vươn tới mọi nơi ở Mỹ.
Vụ phóng diễn ra khi Tổng thống Trump liên tục hối thúc Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên để nước này dừng chương trình tên lửa và hạt nhân.
Sau vụ phóng, ông Trump đã lên Twitter viết: “Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước đây đã để họ kiếm hàng trăm tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực thương mại, nhưng họ không làm gì cho chúng ta về Triều Tiên, chỉ biết nói. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục nữa. Trung Quốc đã có thể dễ dàng giải quyết vấn đề này”.
Về phần mình, trong bài phát biểu ngắn gọn tại cuộc diễu binh, ông Tập Cận Bình không đề cập tới câu tweet của ông Trump.
Theo ông Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị thuộc đại học Lingnan (Hong Kong), ông Trump đã tự cô lập mình về vấn đề Triều Tiên. Triều Tiên phản đối ông ấy và hành động duy nhất ông ấy có thể thực hiện bây giờ là dựa vào quan hệ Mỹ-Trung. Ông Zhang dự báo Mỹ sẽ có biện pháp đơn phương với Trung Quốc về thương mại và cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đối phó./.