Vì sao Mỹ phải thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa?
VOV.VN - Mỹ sẽ lần đầu thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm đối phó với mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Chặn đứng mối lo từ Triều Tiên
AP dẫn lời quan chức Mỹ ngày 26/5 nhấn mạnh, vụ thử đánh chặn sẽ diễn ra vào đầu tuần tới và mục tiêu đánh chặn sẽ là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần giống với mẫu của Triều Tiên nhất.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Trước đó, hệ thống đánh chặn của Mỹ đã thành công trong việc đánh chặn 9 trong tổng số 17 vụ thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo kể từ năm 1999. Vụ thử nghiệm gần đây nhất hồi tháng 6/2014 cũng thành công dù trước đó Mỹ đã trải qua 3 lần thử nghiệm thất bại liên tiếp.
Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ là một dự án trị giá hàng tỷ USD bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng thống Ronald Reagan hồi năm 1983 nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa đối phương trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh.
Đến thời điểm này, Triều Tiên đang được coi là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ phát triển một loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công vào các mục tiêu trên đất Mỹ.
Dù Triều Tiên chưa thể phát triển được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để hiện thực hóa lời đe dọa của ông Kim Jong-un, các quan chức Lầu Năm Góc vẫn bày tỏ quan ngại trước việc Triều Tiên đang đẩy nhanh quá trình này.
Trung tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ Vincent Stewart cảnh báo, nếu “để mặc Triều Tiên thỏa sức hành động”, ông Kim Jong-un sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình.
Dù Mỹ hiện đang sở hữu nhiều hệ thống phòng thủ khác nhau, hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ vẫn chưa thực sự thể hiện được sự tin cậy của mình.
Tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?
Cơ chế vận hành hệ thống đánh chặn của Mỹ
Theo giới chức Mỹ, ý tưởng cơ bản của việc đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sẽ là Mỹ sẽ phóng một quả tên lửa vào không gian ngay khi có cảnh báo về việc đối phương phóng tên lửa.
Tên lửa của Mỹ sẽ thả một thiết bị dài khoảng 1,5m có chứa một hệ thống dẫn đường để lái thiết bị này đến đầu đạn quả tên lửa của đối phương và phá hủy đầu đạn đó. Lầu Năm Góc gọi biện pháp này là “bắn một viên đạn vào một viên đạn”.
Trong vụ thử nghiệm đánh chặn sắp tới, tên lửa đánh chặn sẽ được phóng từ bệ phóng ngầm tại căn cứ Không quân Vandenberg ở California vào vùng biển Thái Bình Dương.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch thiết bị đánh chặn sẽ lao vào đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của đối phương trên biển Thái Bình Dương.
Quả tên lửa đạn đạo được đưa vào thử nghiệm cũng có tốc độ nhanh hơn khá nhiều so với các tên lửa từng được Mỹ sử dụng làm mục tiêu để đánh chặn trước đó.
Người phát ngôn Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ Christopher Johnson cho biết: “Chúng tôi sẽ gia tăng tính phức tạp của các vụ thử đánh chặn tên lửa xuyên lục địa chứ không dừng ở loại tên lửa giống với Triều Tiên”.
Mỹ toan tính gì với Trung Quốc và đồng minh về hồ sơ Triều Tiên?
Lý thuyết hoàn hảo, thực tế đáng lo ngại
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết, họ vẫn chưa hết lo ngại về khả năng vụ thử đánh chặn tên lửa đạn đạo sắp tới sẽ thất bại, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên được đánh giá là đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
“Tôi không thể tưởng tượng được Lầu Năm Góc sẽ nói gì nếu vụ thử đánh chặn tên lửa này thất bại”, ông Philip Coyle, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, nhận định.
“Có quá nhiều kịch bản về khả năng những vụ thử đánh chặn tên lửa như thế này sẽ thành công, đáng tiếc là, rất nhiều vụ thử như vậy đã diễn ra và hoàn toàn thất bại”, ông Coyle cho biết.
Dù từng được Mỹ thiết lập vào năm 2004 nhưng hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ chưa từng “xung trận” và cũng chưa từng được thử nghiệm hết mọi tính năng.
Hiện Mỹ có 32 hệ thống đánh chặn đặt tại tại Fort Greely ở Alaska và 4 tại Vandenberg. Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ thiết lập thêm 8 hệ thống đánh chặn nữa vào cuối năm nay.
Trong bản dự thảo ngân sách năm 2018 đệ trình lên Quốc hội Mỹ tuần này, Lầu Năm Góc cũng đã đề xuất chi 7,9 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa, bao gồm cả số tiền 1,5 tỷ USD cho hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nói trên.
Số tiền 6,4 tỷ USD còn lại sẽ được chi cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Patriot cùng Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ định thiết lập tại Hàn Quốc nhằm chống lại các quả tên lửa tầm trung của Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chỉ tập trung thiết lập hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ các bệ phóng ngầm là vừa tốn kém vừa không toàn diện.
Theo các chuyên gia này, cách tốt nhất là Mỹ cần phải phá hủy hoặc vô hiệu hóa tên lửa của đối phương trước khi những quả tên lửa đó được phóng đi bằng cách tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ sở tên lửa của đối phương./.
Vì sao Tổng thống Trump cần hết sức “dịu dàng” với Triều Tiên?