Nông dân - Vị thế người làm chủ nông nghiệp, nông thôn:

“Bà con không lười đâu, nhưng có cấy cũng không có ăn”

VOV.VN - Có một thực tế là, nông dân giỏi, năng động, Nhà nước tạo động lực thông qua các chủ trương, cơ chế, chính sách, nhưng vẫn chưa lấp đầy những “khoảng trống” cũng như chưa xóa được các "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đời sống bà con nông dân phần đông còn nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề cần được tháo gỡ, giải quyết trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII, làm sao để “người nông dân là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế”.

Những thửa đất khô khốc, cỏ mọc đầy đồng ngay cả trong thời điểm chăm sóc lúa mùa đã không còn là cảnh hiếm thấy ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. “Bà con không lười đâu, nhưng có cấy cũng không có ăn!”

Bên chiếc bàn mặt gỗ đã bong tróc hết, rót chén nước đỏ au toàn vụn chè, ông Nguyễn Xuân Mưu, trưởng thôn Bắc Sơn, xã Hoà Bình chia sẻ, người dân giờ không thiết tha với ruộng nữa. Làng quê đã về đích nông thôn mới nhưng thu nhập của người dân thuần nông vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.

“Thanh niên đi làm ăn xa, có thu nhập cao, thứ 2 là đi vào trạm, trại, công ty nơi khác kiếm sống. Tháng cũng được 5 triệu đồng bằng 1 tấn thóc, bằng ông cấy 2 tháng cũng chỉ được gần 1 tấn thóc. Tội gì người ta ở lại. Thế còn ở lại địa phương bám vào đồng ruộng thì ăn cái gì. Còn đời sống ở đây cũng thấp thôi” - ông Nguyễn Xuân Mưu nói.

bo_lua_1_0.jpg

Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu và “vòng xoáy” này dẫn đến người lao động phải di cư. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh Thái Bình.

TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương nêu lên thực trạng đáng buồn của người nông dân trong suốt quá trình phát triển của ngành nông nghiệp 10 năm qua: “Lao động nông nghiệp ngoài mạnh về số lượng thì chất lượng kém, năng suất thấp. Tỷ lệ được đào tạo thấp nhất trong số các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Còn năng suất lao động thì có thống kê chính thức của nhà nước là thu nhập của nông dân còn thấp hơn cả giúp việc gia đình. Đấy là một hạn chế”.

Không thể chỉ trách người nông dân với tư tưởng tiểu nông, manh mún; với sự chậm nhịp trong tiếp cận thị trường; mà thực tiễn có rất nhiều nút thắt đang cản bước phát triển sản xuất.

Theo báo cáo từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong suốt giai đoạn 2002-2021 chỉ có khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng, tức là chỉ có chưa tới 3,7% số hợp tác xã được tiếp cận tín dụng hằng năm.

Đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng nhất của nông dân cũng không thiếu vấn đề bức xúc xảy ra. Theo PGS. TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 70% các vụ khiếu kiện của người dân.

“Điều 62 Luật Đất đai quy định rằng các cấp chính quyền có quyền thu hồi đất của người dân và đền bù theo khung giá nhà nước, 5 năm quy định một lần ở mỗi tỉnh. Điều đó là nguyên nhân sâu xa của bao nhiêu những vụ tiêu cực về đất đai. Đất đai là tư liệu sản xuất hàng hóa chứ không phải là phương tiện an sinh xã hội” - PGS. TS Vũ Trọng Khải nói.

Về thị trường, hơn 10 năm qua, năm nào cũng có điệp khúc ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Dù đã có sự hỗ trợ của các nhà quản lý định hướng cho thị trường, điều tiết sản xuất nhưng “đến hẹn lại lên”, bà con nông dân, doanh nghiệp lại được nghe “khuyến cáo”.

Nếu như hiệu quả sản xuất là phép thử cho vị thế người nông dân trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp; thì Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới là bài kiểm tra cho vai trò chủ thể của bà con ở nông thôn. Khi đề ra chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo quốc gia có đưa ra phương châm “nông dân là chủ thể”, “dựa vào nội lực cộng đồng”, nghĩa là dựa vào sức dân, sự tự nguyện, nhiệt tình, sáng tạo, tinh thần làm chủ của nhân dân, chứ không phải đơn thuần là thu tiền của dân.

Nhưng ở một số địa phương, việc “huy động sức dân” trong xây dựng nông thôn mới lại được không ít cán bộ cơ sở hiểu thành hoặc cố ý cụ thể hóa bằng những khoản đóng góp bằng tiền theo cách “bổ đầu” từng hộ dân. Nhiều việc làm đường, xây nhà văn hoá, xây chợ, người dân cũng không hề “được bàn, được kiểm tra”.

Theo ông Tăng Minh Lộc, nguyên Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, thực tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ở một số khâu, việc thực hiện quyền làm chủ của người dân còn hình thức, chưa thực chất.

“Việc thực hiện vai trò chủ thể của nông dân thì cũng có một số mặt chưa đạt được như mong đợi. Có 2 vấn đề. Một là những vấn đề như là nhân dân tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch của làm nông thôn mới trên địa bàn rồi thì giám sát các chất lượng công trình hay là tham gia ý kiến đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thì đúng là nhiều nơi thì tổ chức huấn rất hình thức nên chất lượng không cao. Thứ hai là do nhận thức của phần đông cán bộ làm chính sách lúc bấy giờ và cả điều kiện kinh tế quốc gia chưa có đủ để đảm bảo cho người nông dân đóng vai trò chủ thể của mình” - ông Tăng Minh Lộc nêu ý kiến.

Nhìn thẳng vào những tồn tại sẽ giúp định vị được người nông dân hiện đang đứng ở đâu, để không quá lạc quan là nông dân đã thực sự khá giả, để không quá bi quan là nông dân luôn bị nghèo khó ám ảnh. Cách nhìn sát thực sẽ xác định đúng vai trò trung tâm của người nông dân trong nông nghiệp và nông thôn. Vị trí chủ thể chỉ có thể có được khi người nông dân có thể ra quyết định và được thụ hưởng kết quả. Khi bà con vẫn bị phụ thuộc từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, vẫn yếu thế trong các quyết định ở nông thôn thì khi đó, không thể nói tới “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh”.

Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được tăng ít nhất gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2020. Đây là tin vui cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Cùng với các giải pháp để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; thì việc nhanh chóng ban hành các chính sách “cởi trói”, “thúc đẩy” trong thời gian tới sẽ giúp nhân đôi lực để nông dân giữ vị trí trung tâm, làm chủ kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn./.

Cùng loạt bài:

Những nông dân "gieo mầm" đổi thay

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Phân bón đắt đỏ, nhiều nông dân vùng cao Lào Cai bỏ trống ruộng nương
Phân bón đắt đỏ, nhiều nông dân vùng cao Lào Cai bỏ trống ruộng nương

VOV.VN - Giá phân bón đắt đỏ khiến bà con nông dân ở vùng cao Lào Cai phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, thậm chí nhiều gia đình đành ngậm ngùi bỏ trống ruộng nương.

 Phân bón đắt đỏ, nhiều nông dân vùng cao Lào Cai bỏ trống ruộng nương

Phân bón đắt đỏ, nhiều nông dân vùng cao Lào Cai bỏ trống ruộng nương

VOV.VN - Giá phân bón đắt đỏ khiến bà con nông dân ở vùng cao Lào Cai phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, thậm chí nhiều gia đình đành ngậm ngùi bỏ trống ruộng nương.

Nông sản giá rẻ bèo, nông dân bỏ ruộng lên phố kiếm sống
Nông sản giá rẻ bèo, nông dân bỏ ruộng lên phố kiếm sống

VOV.VN -Rau củ trồng ra không tiêu thụ được, gia súc xuất chuồng bị tư thương ép giá khiến người dân không còn mặn mà với công việc đồng áng. 

Nông sản giá rẻ bèo, nông dân bỏ ruộng lên phố kiếm sống

Nông sản giá rẻ bèo, nông dân bỏ ruộng lên phố kiếm sống

VOV.VN -Rau củ trồng ra không tiêu thụ được, gia súc xuất chuồng bị tư thương ép giá khiến người dân không còn mặn mà với công việc đồng áng. 

Bài 1: Khu công nghiệp bỏ hoang - nông dân “khát ruộng”
Bài 1: Khu công nghiệp bỏ hoang - nông dân “khát ruộng”

Sự cho ra đời một cách vội vã các KCN mà không tính đến mặt trái của sự phát triển sẽ nảy sinh nhiều hệ quả tiêu cực

Bài 1: Khu công nghiệp bỏ hoang - nông dân “khát ruộng”

Bài 1: Khu công nghiệp bỏ hoang - nông dân “khát ruộng”

Sự cho ra đời một cách vội vã các KCN mà không tính đến mặt trái của sự phát triển sẽ nảy sinh nhiều hệ quả tiêu cực