Sát thủ diệt xe tăng "Hoa cúc vàng" của Nga sắp trang bị cho trực thăng
VOV.VN - Nga vừa công bố một phiên bản mới của tên lửa chống tăng siêu thanh 9M123 Khrizantema (còn được gọi là Hoa cúc vàng), không chỉ có tầm bắn gia tăng 68% mà còn có thể được phóng từ trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52 của Nga.
Phiên bản này được thiết kế để đối phó với xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng của NATO. Không giống như hầu hết tên lửa chống tăng có điều khiển thường ở dạng tháo lắp, tên lửa 9M123 (mã định danh NATO AT-15 Springer) được phóng từ bệ phóng 2 phát trên xe bọc thép chuyên dụng sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP- 3, được gọi là 9P157-2 Khrizantema-S.
Sức mạnh sát thủ diệt tăng Khrizantema
Với tốc độ Mach 1.3, tên lửa Khrizantema có thể bay được 1,6km chỉ trong 4 giây, tiếp cận mục tiêu nhanh hơn nhiều so với tên lửa chống tăng có dẫn đường thông thường. Một nguồn tin khác của Nga cho rằng tốc độ tối đa của tên lửa có thể đạt Mach 1.9.
Bệ phóng tên lửa có khả năng phóng tối đa 4 tên lửa mỗi phút bằng cách sử dụng bộ nạp tự động. Cục thiết kế chế tạo máy (KBM) thuộc tập đoàn nhà nước Rostec – đơn vị chế tạo tên lửa này cho biết, một trung đội gồm 3 tổ hợp Khrizantema có thể vô hiệu hóa một đại đội gồm 14 xe tăng trong hai phút, với xác suất tiêu diệt ước tính là 60% mỗi lần bắn. Tên lửa 9M123 cũng có thể được sử dụng để chống lại các máy bay trực thăng bay thấp, nhưng không thể nhắm mục tiêu vào các phương tiện cách xa hơn 400 mét.
Tên lửa 9M123M mới, không chỉ có tầm bắn gia tăng 68% mà còn có thể được phóng từ trực thăng tấn công Mi-28NM 'Havoc' và Ka-52 của Nga. Theo thông tin được giới thiệu tại triển lãm, tên lửa mới có đường kính khoảng 2,3m, lớn hơn phiên bản cũ 152 mm và ống phóng có trọng lượng nặng hơn. Nhà thiết kế KBM từng tuyên bố, tên lửa mới sẽ được nâng cấp để cải thiện khả năng xuyên thủng giáp lồng bổ sung của xe tăng.
Hiện có rất ít video về việc Nga triển khai tên lửa này trong chiến đấu, trong đó có một video cho thấy tên lửa Khrizantema phá hủy một trạm phóng tên lửa chống tăng có điều khiển của đối phương. Điều đó chứng tỏ Nga đang sử dụng một cách thận trọng loại tên lửa có khả năng bắn hạ xe tăng thế hệ tiếp theo.
Nếu tên lửa Khrizantema được triển khai trên trực thăng, các lực lượng Nga có thể sử dụng một cách chủ động hơn để săn lùng xe tăng đối phương trên chiến trường. Tuy nhiên, nhà thiết kế Krizhantema sẽ phải tìm cách cạnh tranh với các công ty chế tạo tên lửa gắn trên trực thăng của đối thủ.
Tên lửa Khrizantema hoạt động như thế nào?
Liên Xô bắt đầu phát triển tên lửa Khrizantema vào những năm 1980 và biên chế cho quân đội vào năm 2005. Nhưng do giá thành cao nên quân đội Nga chỉ sở hữu khoảng 30 tổ hợp. Khrizantema ban đầu sử dụng kính ngắm do Ukraine chế tạo. Nhưng sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã chuyển sang sử dụng kính ngắm của Belarus. Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong đó có lệnh hạn chế Moscow tiếp cận vi mạch điện tử của phương Tây có thể làm phức tạp thêm quá trình sản xuất xe chiến đấu 9P157-2 dành cho tổ hợp Khrizantema.
9P157-2 là xe bánh xích, được bọc thép viền nhôm, nặng 19,4 tấn, có kíp lái 2 người và có thể mang được 15 tên lửa Khrizantema. Tên lửa được phóng từ bệ phóng có thể mở rộng, tích hợp kính ngắm ảnh nhiệt và có radar quét mặt đất 150 GHz. Mặc dù tổ hợp không thể phóng tên lửa khi đang di chuyển nhưng khi được bố trí phía sau một tòa nhà hay ngọn đồi, nó có thể mở rộng đầu dò tìm kiếm mục tiêu và bắn vào các vị trí của đối phương và rất khó bị phát hiện.
Kíp lái có thể phóng tên lửa 9M123 chuẩn sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia laser hoặc phiên bản 9M123-2 dẫn đường bằng radar. Hai kênh dẫn bắn này được bảo vệ chống mọi biện pháp gây nhiễu từ đối phương. Đây là khả năng mà hầu như không có hệ thống chống tăng nào trên thế giới có được.
Nhược điểm của 2 tên lửa này là thiếu khả năng tấn công chớp nhoáng và tấn công phủ đầu như tên lửa Javenlin của Mỹ, đồng thời không có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn như tên lửa Spike-NLOS của Israel.
Nhà phát triển KBM cho biết, do tên lửa có tốc độ siêu vượt âm nên hệ thống phòng thủ chủ động (APS) của xe tăng sẽ khó phản ứng kịp thời trước cuộc tấn công. Đầu đạn nặng hơn 8kg của Khrizantema được cho là có khả năng xuyên thủng lớp giáp thép đồng nhất (RHA) dày từ 1.000 đến 1.250 mm.
Thách thức đối với việc tích hợp tên lửa Khrizantema cho trực thăng
Việc tích hợp tên lửa Khrizantema với các loại trực thăng Mi-28N và Ka-52 từ lâu đã được giới truyền thông và các chuyên gia quân sự Nga nhắc đến. Tên lửa này được cho là tương thích với hệ thống phát hiện và nhận dạng mục tiêu quang điện tử tầm xa GOES-451M của trực thăng Ka-52.
Theo giới phân tích, trực thăng tấn công có khả năng tiếp cận với thiết giáp của đối phương nhanh hơn nhiều so với các tổ hợp tên lửa đặt trên mặt đất. Nếu như các tổ hợp này thường được bố trí tương đối gần mũi đột phá của thiết giáp đối phương để ngăn chặn kịp thời và hoạt động hiệu quả hơn khi phục kích, thay vì tiến thẳng về phía đối phương thì trực thăng có thể tấn công trực diện thiết giáp của đối phương từ trên cao.
Tuy vậy, nếu muốn tích hợp tên lửa Khrizantema vào phi đội máy bay trực thăng, nhà thiết kế phải tìm cách nâng cấp để tên lửa này vượt trội hơn so với tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMUR) tiên tiến có tầm bắn lên tới 12km, vốn được Nga sử dụng cho trực thăng Ka-52M. Quân đội Nga đã đăng tải hàng chục video về các cuộc tấn công của tên lửa LMUR vào những mục tiêu tĩnh, cho thấy LMUR vẫn là tên lửa chiếm ưu thế và nhận được sự quan tâm đáng kể.
Dù tính năng của Khrizantema được đánh giá cao nhưng tên lửa này vẫn nằm trong danh mục các loại vũ khí hiện đại của Nga không được mua sắm với quy mô lớn, bởi việc nâng cấp những tên lửa cũ có từ thời Liên Xô sẽ được coi là tiết kiệm chi phí hơn so với mua mới tên lửa Khrizantema, trừ khi Nga có các đơn đặt hàng mới. Tuy vậy, Moscow sẽ cần thời gian để thiết lập dây chuyền sản xuất tên lửa 9M123.