Tình báo Ukraine tiết lộ tên lửa Triều Tiên “lột xác” nhờ chuyên gia Nga
VOV.VN - Trung tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) đã tiết lộ rằng, các chuyên gia Nga đã thực hiện những cải tiến quan trọng đối với tên lửa KN-23 của Triều Tiên, biến nó thành một loại vũ khí chính xác và nguy hiểm hơn nhiều.
Nga giúp cải thiện độ chính xác của tên lửa Triều Tiên
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Chosun của Hàn Quốc, ông Budanov cho biết ban đầu, tên lửa KN-23 có độ chính xác thấp, với biên độ sai số từ 500 đến 1.500 mét. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga đã cải thiện độ chính xác của tên lửa, khiến nó trở thành loại vũ khí gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều.

"Ban đầu, độ chính xác của tên lửa khá kém, với độ sai lệch so với mục tiêu vào khoảng 500 đến 1.500 mét. Nhưng các chuyên gia tên lửa Nga đã thực hiện các cải tiến kỹ thuật để giải quyết vấn đề này. Tên lửa hiện trở nên chính xác hơn và là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với trước đây”. Những cải tiến đối với tên lửa KN-23 là một phần trong mô hình hợp tác quân sự ngày càng phát triển giữa Nga và Triều Tiên.
Theo giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU), quan hệ đối tác Nga-Triều đang ngày càng sâu sắc hơn trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học và công nghiệp, đạt đến “mức độ cao nhất”. “Sự hợp tác này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và leo thang đối với cộng đồng quốc tế vì giúp củng cố năng lực quân sự của Triều Tiên”, Tướng Kyrylo Budanov nhấn mạnh.
Quan chức này cũng cung cấp thông tin về sự can dự của Triều Tiên vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông cho biết, mặc dù có hàng nghìn binh sỹ bị thương vong trong các cuộc giao tranh nhưng lực lượng Triều Tiên vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động chung với quân đội Nga.
Theo ông Kyrylo Budanov, sự hiện diện của pháo binh Triều Tiên ở tuyến đầu đã tăng lên đáng kể.
"Khi chúng tôi áp dụng các công nghệ mới - chẳng hạn như triển khai máy bay không người lái và tác chiến điện tử - lực lượng Nga phát triển các biện pháp đối phó. Ngược lại, chúng tôi đã thực hiện những chiến thuật mới để có thể thành công trên chiến trường. Quân đội Triều Tiên cũng quan sát và thích nghi với sự thay đổi này”.
Giám đốc DIU cũng nhấn mạnh rằng, Triều Tiên dường như đang tận dụng việc tham gia cuộc chiến để không chỉ có được kinh nghiệm chiến đấu quý báu mà còn hiện đại hóa lĩnh vực công nghệ quân sự của họ. Những tiến bộ này, được thúc đẩy bởi sự hợp tác với Nga, có thể sẽ tác động tới tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên quan đến khả năng hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Ukraine, ông Budanov nhấn mạnh đến những lợi ích chiến lược chung mà cả hai quốc gia chia sẻ. "Cả Ukraine và Hàn Quốc đều phải đối mặt với cùng một đối thủ là Triều Tiên. Hàn Quốc thu thập nhiều thông tin tình báo về Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua, điều này sẽ vô cùng có giá trị đối với chúng tôi".
Tuy nhiên, quan chức này chỉ ra rằng Hàn Quốc chưa tham gia vào cuộc chiến trực tiếp, quy mô lớn với Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Còn Ukraine hiện đang trải nghiệm việc chiến đấu trực tiếp. Việc chia sẻ thông tin tình báo và kinh nghiệm chiến trường sẽ có lợi cho cả hai bên. Ông Budanov cũng bày tỏ hy vọng về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ukraine với Hàn Quốc trong tương lai.
Điều ít biết về tên lửa KN-23
KN-23 hay còn gọi là Hwasong-11A, là tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn thường được so sánh với Iskander-M của Nga. Đây là một trong những vũ khí mới của Triều Tiên, ra mắt trong một cuộc diễu hành năm 2018, với tầm bắn cho phép tấn công sâu vào Hàn Quốc. Vào tháng 7/2024, Bình Nhưỡng cho biết đã thử nghiệm một phiên bản tiên tiến của tên lửa này là Hwasong-11Da-4.5, có thể mang đầu đạn nặng 4,5 tấn.
Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa KN-23 vào tháng 5/2019 tại khu vực Wonsan. Tên lửa này được thiết kế để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách bay theo quỹ đạo thấp, giúp giảm khả năng bị radar phát hiện. KN-23 có tầm bắn 800-900 km. Nga bắt đầu triển khai tên lửa KN-23 chống lại các mục tiêu của Ukraine vào đầu năm 2024. Tính riêng trong năm 2024, Nga được cho là đã bắn hơn 60 tên lửa Hwasong-11A vào Ukraine
Một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ tiết lộ, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang mở rộng một nhà máy vũ sản xuất cả tên lửa KN-23 (Hwasong-11A) và KN-24 (Hwasong-11B). Theo đó, Bình Nhưỡng đã xây dựng một tòa nhà lắp ráp tên lửa mới, ước tính có kích thước bằng 60% đến 70% kích thước của cơ sở ban đầu.
CNN trước đó đưa tin rằng hệ thống dẫn đường của tên lửa KN-23 dường như kết hợp các linh kiện do phương Tây sản xuất mặc bất chấp việc Triều Tiên vẫn đang phải chịu các lệnh trừng phạt. Theo tình báo Ukraine, các bộ phận quan trọng của tên lửa do 9 công ty phương Tây sản xuất, trong đó có những công ty có trụ sơ tại Mỹ, Hà Lan và Anh. Điều này cho thấy Triều Tiên vẫn có khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng của nước ngoài để phục vụ cho việc phát triển tên lửa
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng, mặc dù KN-23 được Triều Tiên thiết kế, nhưng lại khá giống với tên lửa Iskander-M của Nga về hình thức. Ngoài ra, cả hai tên lửa đều có đặc điểm bay giống nhau, chẳng hạn như hoạt động trên quỹ đạo bán đạn đạo, giúp tăng cường khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống.
Mặc dù KN-23 không có khả năng cơ động cao như Iskander-M nhưng việc triển khai tên lửa này vẫn là một thách thức quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ của Ukraine. Ban đầu, độ chính xác của KN-23 là một vấn đề lớn. Nhưng Nga đã thực hiện các sửa đổi kỹ thuật đối với các tên lửa này và Moscow nhiều khả năng sẽ chia sẻ những cải tiến trong công nghệ tên lửa cho Triều Tiên.