Ukraine tăng cường tự sản xuất "vua chiến trường", giảm phụ thuộc vào phương Tây
VOV.VN - Động thái của Ukraine khi tự sản xuất các hệ thống pháo và đạn dược cho thấy mong muốn giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ phương Tây.
Mặc dù các công nghệ hiện đại, trong đó có UAV và các phương tiện tác chiến điện tử định hình cuộc xung đột ở Ukraine nhưng kết quả của nó có thể vẫn phụ thuộc vào việc liệu bên nào có thể duy trì việc sử dụng các hệ thống pháo. Cả hai quốc gia đều chủ yếu dựa vào học thuyết quân sự thời Liên Xô, theo đó nhấn mạnh đến vai trò của pháo khi Nga phóng khoảng 10.000 quả đạn pháo và Ukraine phóng 2.000 quả đạn pháo hàng ngày.
Ban đầu, Ukraine dựa vào đạn pháo cỡ nòng 152mm thời Liên Xô và sau đó được bổ sung đạn pháo cỡ nòng 155mm do NATO cung cấp. Theo Forbes, hiện Ukraine đang ở vị thế ngày càng mạnh hơn khi họ có khả năng sản xuất lựu pháo và đạn pháo 155mm tương ứng.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã đầu tư vào việc phát triển khả năng tự sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm. Ngày 15/9, Cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksandr Kamyshin thông báo Kiev đã bắt đầu sản xuất hàng loạt đạn pháo cỡ nòng 155mm mặc dù thông tin chính xác về cơ sở sản xuất này không được tiết lộ.
Trong khi cơ sở trên chỉ sản xuất số lượng đạn pháo hạn chế thì khả năng của nó dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm nay. Ukraine cũng thông báo đầu năm rằng họ có một thỏa thuận với công ty Đức Rheinmetall để phát triển các cơ sở sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm. Khi hoàn thành, những cơ sở này dự kiến sẽ sản xuất đủ đạn pháo để duy trì mức độ sử dụng của Ukraine hiện tại.
Đạn pháo cỡ nòng 155mm sản xuất trong nước của Ukraine được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, chẳng hạn như chúng có thể được phóng từ các lựu pháo do phương Tây cung cấp, trong đó có M109 của Mỹ, AHS Krab của Ba Lan và AS90 của Anh. Ngoài ra, Kiev cũng được cho là có thể sản xuất đạn nổ mạnh tiêu chuẩn và đạn mở rộng tầm bắn.
Đạn dược sẽ trở nên vô ích nếu không có hệ thống triển khai. Do vậy, Ukraine đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào lựu pháo do phương Tây cung cấp. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Ukraine bắt đầu nỗ lực tự sản xuất lựu pháo tự hành, trong đó có 2S22 Bohdana. Đây là một hệ thống pháo cỡ nòng 155mm với tầm bắn 40km, sử dụng đạn tiêu chuẩn và tầm bắn 50km, sử dụng đạn mở rộng. Ukraine chọn khung gầm có bánh xe cho hệ thống này, tận dụng các xe tải quân sự KrAZ-6322 sản xuất trong nước.
Được tiết lộ vào năm 2018, Bohdana trải qua đợt thử nghiệm ban đầu vào năm 2021 và sử dụng trong chiến đấu năm 2022, Tuy nhiên, việc sử dụng lựu pháo này vẫn hạn chế do Ukraine chỉ có 8 hệ thống so với 70 lựu pháo M109, 36 AHS Krab và 12 AS-90. Dù vậy, chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao tranh và sẽ ngày càng có ý nghĩa lớn hơn. Sản xuất của Ukraine tăng cường khi Tổng thống Zelensky gần đây tuyên bố Kiev đang sản xuất được số lượng lớn Bohdana mỗi tháng, khiến nước này đi đầu ở châu Âu về sản xuất lựu pháo.
Cần phải lưu ý rằng đạn pháo cỡ nòng 155mm thường sử dụng cho pháo hạng nặng theo tiêu chuẩn NATO trong khi đạn pháo cỡ nòng 152mm được sản xuất theo tiêu chuẩn Liên Xô. Sự dịch chuyển trên đã phản ánh mong muốn của Ukraine trong việc phối hợp tốt hơn với các tiêu chuẩn quân sự của NATO, tạo điều kiện để tích hợp hậu cần và chiến lược trơn tru với các khuôn khổ quốc phòng phương Tây.
Trong khi Ukraine có khả năng sản xuất đạn pháo cỡ nòng 152mm thì các lựu pháo sử dụng là từ kho vũ khí thời Liên Xô. Ngoài ra, do cuộc xung đột hiện nay nên Ukraine không thể mua được lựu pháo mới cỡ nòng 152mm từ Nga - nhà sản xuất chính những hệ thống này.
Bất chấp sự dịch chuyển để tích hợp với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn NATO, động thái của Ukraine khi tự sản xuất các hệ thống pháo và đạn dược cho thấy mong muốn giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Từ năm 2014, các quốc gia NATO đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo cùng với đạn cỡ nòng 155mm.
Pháo là phương tiện không thể thiếu trong chiến thuật và chiến lược phòng thủ của Ukraine. Đầu năm nay, những trì hoãn trong sự hỗ trợ của Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu đạn pháo cỡ nòng 155mm của Ukraine, từ đó cho phép Nga đạt được thành quả đáng kể, đặc biệt là việc chiếm được Avdiivka. Vì thế, khi xung đột kéo dài, Ukraine sẽ thấy lợi ích của việc giảm sự phụ thuộc vào phương Tây và tăng cường khả năng tự sản xuất.
Trong khi khả năng sản xuất đạn pháo trong nước có lẽ không đảm bảo chiến thắng cho Ukraine thì việc thiếu đạn pháo có thể khiến Kiev thua trong cuộc xung đột này. Vì vậy, nỗ lực tăng cường sản xuất lựu pháo và đạn dược cỡ nòng 155mm vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Ukraine.