Cảnh sát biển Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
VOV.VN -Cảnh sát biển Việt Nam là điểm tựa vững chắc, lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Kể từ ngày thành lập, 28/8/1998 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam luôn vững bước thực thi các nhiệm vụ trên biển. Cùng với những lực lượng khác, nhiều năm qua lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã trở thành điểm tựa vững chắc, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Mặc dù còn non trẻ nhưng năm nay, đúng ngày sinh nhật lần thứ 17 (28/08/1998 - 28/08/2015), Cảnh sát biển Việt Nam đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những thành tích mà Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được trong những năm qua.
Nhân sự kiện này, Phóng viên VOV phỏng vấn Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng. |
PV: Là lực lượng còn non trẻ so với các quân binh chủng khác trong toàn quân, song trải qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Trung tướng chia sẻ những kinh nghiệm làm nên thành công của lực lượng?
Trung tướng Hoàng Văn Đồng: Kinh nghiệm thành công trong xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát biển 17 năm qua trước hết được sự quan tâm Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đầu tư cả về tổ chức và trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với sự phát triển lực lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề xuất từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho Cảnh sát biển hoạt động đúng chức năng, đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Tích cực chủ động trong hợp tác quốc tế để phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời còn học hỏi tiếp thu kinh nghiệm, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế.
Một kinh nghiệm làm nên thành công không thể không nhắc tới đó là phát huy tốt nội lực, có sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy, chỉ huy, và trong toàn lực lượng; xây dựng tổ chức, con người phù hợp với nhiệm vụ và biên chế trang bị từng thời kỳ, xây dựng Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, tập trung xây dựng ý chí, nghị lực, quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, giúp họ vượt lên khó khăn thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
PV: Với vai trò nòng cốt đảm bảo an toàn an ninh, thực thi pháp luật trên biển, để hoàn thành nhiệm vụ, theo Trung tướng, việc tăng cường phối hợp với các lực lượng trên biển của Việt Nam cần được thực hiện như thế nào?
Trung tướng Hoàng Văn Đồng: Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi xác định phải phối hợp tốt với các lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ trên biển như: Quân chủng Hải quân, Biên phòng, Hải quan, Công an... với lực lượng quân đội và chính quyền các địa phương trên tuyến biển.
Trong những năm qua, Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng trên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển |
Nội dung phối hợp của Cảnh sát biển đã tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ thông tin, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, trong cứu hộ, cứu nạn, xử lý các tình huống phức tạp trên biển; phối hợp để bảo vệ các hoạt động kinh tế biển; phối hợp trong đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; trong mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy.
Ngoài ra, Cảnh sát biển còn phối hợp trong tuyên truyền cho ngư dân về chấp hành pháp luật trên biển....
Trong những năm tới để cho các hoạt động phối hợp có hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ tổ chức rút kinh nghiệm trong thực hiện quy chế phối hợp để triển khai các nội dung đã ký kết, đảm bảo có hiệu quả hơn, nhất là về hình thức và cách làm của mỗi lực lượng.
PV: Trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, để bảo đảm môi trường hòa bình trên biển, phương châm xử lý của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là gì, thưa Trung tướng?
Trung Tướng Hoàng Văn Đồng: Đảng, Nhà nước ta có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực.
Cụ thể trong vấn đề biển Đông, phương châm xử lý của Cảnh sát biển Việt Nam là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và những điều ước mà nước ta đã ký kết cùng các nước, nhất là thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; những nguyên tắc cơ bản theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong giải quyết vấn đề trên biển; chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực; tích cực đóng góp cho sự hợp tác vì hòa bình, nhất là trong thực thi pháp luật trên biển, chống cướp biển, chống các loại tội phạm, vi phạm trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, không để xảy ra xung đột.
Với phương châm, cách xử lý như vậy trong thời gian vừa qua Cảnh sát biển Việt Nam đã luôn thực hiện tốt các chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, giữ cho vùng biển của nước ta luôn hòa bình, hữu nghị, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tàu CSB 8002 có lượng giãn nước 2.200 tấn, dài hơn 90m, công suất trên 12.000 mã lực được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tại tỉnh Quảng Nam. |
PV: Trong thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có những giải pháp cũng như định hướng như thế nào để khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo thưa, Trung tướng?
Trung tướng Hoàng Văn Đồng: Để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới" trong những năm tới, lực lượng Cảnh sát biển chúng tôi xác định phải tập trung phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đối sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình trên biển để tham mưu trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong xử lý các vấn đề phức tạp trên biển, theo đúng chủ trương, đối sách, đúng tinh thần Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nắm chắc tình hình trên các vùng biển. Phối hợp với các lực lượng chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra theo đúng phương châm, tư tưởng chỉ đạo và đối sách của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một giải pháp hết sức quan trọng là phải nâng cao chất lượng huấn luyện. Công tác huấn luyện chiến đấu của lực lượng Cảnh sát biển phải sát với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến hiện nay và những năm tới, theo kịp sự phát triển của tình hình.
Chất lượng công tác huấn luyện của lực lượng Cảnh sát biển phải đạt được mục tiêu “Nghiệp vụ tinh thông - Kỷ luật nghiêm minh - Phẩm chất chính trị vững vàng - Sức khỏe dẻo dai”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhất là ở vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp, sóng to, gió lớn, tạo điều kiện cho các ngư dân yên tâm bám biển làm ăn; chủ trì phối hợp với các lực lượng phát hiện, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của ta và đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm các loại. Tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong nội bộ và trong nhân dân, nhất là những nội dung liên quan đến pháp luật về biển, đảo...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, tăng cường quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển các nước láng giềng và trong khu vực, đóng góp tích cực vào các hoạt động của tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, xây dựng vùng biển hoà bình, ổn định và phát triển.
Với thành tích 17 năm xây dựng và trưởng thành, chúng tôi tin tưởng rằng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ và ngày càng lớn mạnh và trưởng thành và sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng!./.
Với truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, trải qua 17 năm xây dựng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang lớn mạnh về tổ chức và lực lượng, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại. Cảnh sát biển Việt Nam luôn có mặt trên các vùng biển chủ quyền xung yếu, phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.