Indonesia có kế hoạch mua tên lửa NSM trang bị cho tàu tấn công tốc độ cao
VOV.VN - Thực hiện chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, Jakarta không chỉ nhập khẩu máy bay chiến đấu hiện đại, trang bị xe tăng tính năng cao, pháo hạng nặng, mà còn “thay máu” lực lượng tàu ngầm và nâng cao năng lực tác chiến của các tàu mặt nước.
Theo Global Business Press, Hải quân Indonesia đang có kế hoạch mua tên lửa tấn công hải quân (Naval Strike Missile - NSM) từ Công ty Quốc phòng & Hàng không vũ trụ Kongsberg của Na Uy để trang bị cho các tàu mang tên lửa tốc độ cao (Fast Missile Boat - FMB) hiện tại và trong tương lai.
Tàu tên lửa tốc độ cao lớp Klewang
Cách đây không lâu, Hải quân Indonesia đã đưa tàu tên lửa tốc độ cao KRI Golok (688) đầu tiên lớp Klewang vào trang bị; chiếc thứ hai được hạ thủy ngày 21/8/2021. Đây là tàu tàng hình, xuyên sóng, 3 thân do PT Lundin Industry Invest chế tạo. PT Lundin Industry Invest là tên giao dịch của North Sea Boats, được thành lập vào năm 2003. Trên thực tế, North Sea Boats là một công ty đa quốc gia chuyên đóng tàu cho quân đội, các lực lượng thực thi pháp luật, cứu hộ, thương mại... Công ty có đại diện tại Thụy Điển, Singapore và Indonesia, với trụ sở chính đặt tại Banyuwangi, Đông Java, Indonesia.
Tàu tấn công tốc độ cao có chiều dài 62,53m, rộng 16m, cao 18,7m, trọng lượng 53,1 tấn, mớn nước 18,7m, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 16 hải lý/giờ, và thủy thủ đoàn gồm 25 thành viên. Tàu được thiết kế để hoạt động trong điều kiện sóng biển cao 6m. Tàu được chế tạo từ vật liệu composite carbon vinyl ester, có độ bền cao, có khả năng chống ăn mòn tuyệt vời. Tàu không có phần nhô ra ở mũi tàu cùng các đặc điểm thiết kế giúp giảm thiểu bị phát hiện bằng cách giảm tín hiệu radar, hồng ngoại, âm thanh và từ tính.
Ngoài 4-8 tên lửa chống hạm, tàu được trang bị Type 730 CIWS (súng 7 nòng cỡ 30mm Gatling CIWS của Trung Quốc, có ký hiệu H/PJ12) và súng 12,7mm. Có tốc độ bắn tối đa 5.800 phát/phút, tầm bắn hiệu quả lên tới 3km, Type 730 được lắp trong một tháp pháo tự động và được hỗ trợ bằng radar và các hệ thống theo dõi điện quang. Theo nhà sản xuất, tàu cũng có thể được trang bị tên lửa NSM, 4 tên lửa đất đối đất C-705, Penguin, Exocet, hoặc RBS-15 MK3 và súng hải quân cỡ nòng 76mm trong một tháp pháo tàng hình mà không ảnh hưởng đến độ ổn định của tàu.
Tên lửa tấn công hải quân NSM
NSM là tên lửa chống hạm và tấn công đất liền do công ty Kongsberg Defense & Aerospace (KDA) của Na Uy phát triển. Hợp đồng sản xuất hàng loạt ban đầu của NSM được ký kết vào tháng 6/2007 và đã được Hải quân Hoàng gia Na Uy lựa chọn để trang bị cho các khinh hạm lớp Fridtjof Nansen mới và tàu tuần tra lớp Skjold.
Tháng 12/2008, Hải quân Ba Lan đặt hàng tổng cộng 50 tên lửa đất đối đất (bao gồm cả 2 tên lửa để thử nghiệm), với kế hoạch giao hàng trong giai đoạn 2013–2016. Tháng 6/2013, Ba Lan đã thành lập Sư đoàn Tên lửa Bờ biển trang bị 12 NSM và 23 phương tiện trên khung gầm Jelcz (bao gồm 6 bệ phóng, 2 radar TRS-15C, 6 xe điều khiển hỏa lực và 3 xe chỉ huy). Sư đoàn Tên lửa Duyên hải sẽ được trang bị 12 bệ phóng mang 4 tên lửa, với tổng số 48 tên lửa. Tháng 12/2014, Ba Lan đã đặt hàng lô bệ phóng và tên lửa thứ hai để trang bị cho một tiểu đoàn NSM.
Hải quân Mỹ thử nghiệm thành công NSM trên tàu tác chiến ven bờ USS Coronado (LCS-4) ngày 24/9/2014. Ngày 31/5/2018, lực lượng này đã chính thức lựa chọn NSM làm vũ khí chống hạm của LCS 'OTH (trong trang bị của Mỹ nó mang ký hiệu RGM-184A). NSM sẽ được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng như một phần của Hệ thống ngăn chặn tàu viễn chinh của Hải quân/Thủy quân lục chiến (NMESIS). Hệ thống này đặt NSM trên bệ phóng di động không người lái cho phép thủy quân lục chiến bắn tên lửa chống hạm từ đất liền.
Tên lửa NSM nặng hơn 400kg, tầm bắn hơn 185km, được thiết kế cho các vùng nước ven bờ (“nước nâu”) cũng như cho các kịch bản biển mở (“nước xanh và xanh lam”).
NSM là hệ thống linh hoạt, có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau để chống lại nhiều mục tiêu trên biển và đất liền. Thiết kế khung tên lửa và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao giúp NSM có khả năng cơ động cực tốt. NSM có thể di chuyển ở chế độ lướt trên biển, sau đó thực hiện các động tác ngẫu nhiên trong giai đoạn cuối, khiến cho việc ngăn chặn đối phương trở nên khó khăn hơn.
Đầu đạn được trang bị ngòi nổ đa năng thông minh có thể lập trình được thiết kế để tối ưu hóa hiệu ứng chống lại các mục tiêu cứng. Thiết kế hiện đại và sử dụng vật liệu composite giúp tên lửa có khả năng tàng hình, nâng cao khả năng sống sót trước tất cả các hệ thống phòng thủ tiêu diệt mềm và cứng của đối phương. NSM có thể điều hướng bằng GPS, hệ thống tham chiếu quán tính và địa hình. Nhận dạng mục tiêu tự động (ATR) của đầu dò dựa trên hồng ngoại hình ảnh (IIR) và cơ sở dữ liệu mục tiêu đảm bảo mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền được phát hiện chính xác, nhận dạng và đánh trúng./.