Khám phá các tàu chiến Hải quân Nga vào Địa Trung Hải để đánh IS
VOV.VN - Tổ hợp tàu chiến của Nga triển khai ở Địa Trung Hải để không kích IS gồm những tàu nào và các loại vũ khí nào?
Tàu sân bay của Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov đã được điều động sang phía đông Địa Trung Hải để tham gia vào các hoạt động quân sự của nước này ở Syria. Nhưng đó không phải là thành viên duy nhất trong hạm đội phương Bắc và Biển Đen tham gia các cuộc tấn công IS. Một số vũ khí ấn tượng nhất của Nga cũng đã được trình diễn ở ngoài khơi Syria.
Tiêm kích Su-33 xuất phát từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: RIA.
Giữa tháng 11/2016, quân đội Nga mở màn chiến dịch quy mô lớn tấn công vào các vị trí của IS và lực lượng Mặt trận al-Nusra ở Syria. Chiến dịch diễn ra chủ yếu từ biển, bằng các vũ khí đặt trên boong chiếc tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hiện tham chiến lần đầu tiên.
Nhóm tàu sân bay phương Bắc gồm tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng Pie Đại đế, các tàu săn ngầm lớn Severomorsk và Phó Đô đốc Kulakov cùng các tàu cung cấp. Tàu Đô đốc Grigorovich và tàu kéo đi kèm nằm trong Hạm đội Biển Đen nhưng đang hoạt động cùng với các tàu của Hạm đội phương Bắc.
Theo nhật báo Anh Times, nhóm tàu trên còn gồm cả các tàu ngầm lớp Akula "Schuka-B" Dự án 971 và một tàu ngầm lớp Kilo "Varshavyanka" Dự án 636. Bộ Quốc phòng Nga chưa kiểm chứng thông tin này.
Tàu Đô đốc Grigorivich đã phóng tên lửa Kalibr vào lãnh thổ Syria. Các tên lửa có cánh này cũng được chở bằng các tàu ngầm Varshavyanka và Schuka. Ngoài ra, các tàu ngầm có thể phóng các tên lửa hệ thống Kalibr-PL từ các hệ thống ngư lôi ở cự ly lên tới 1.500km. Tuần dương hạm Pie Đại đế cũng có 20 tên lửa Granit.
Vào tháng 12/2015 hạm đội tàu ngầm của Nga tiến hành cuộc không kích bằng tên lửa đầu tiên của mình nhằm vào một mục tiêu địch sử dụng các tên lửa có cánh. Khi đó tàu ngầm B-237 Rostov-on-Don phóng các tên lửa Kalibr-PL từ phía đông Địa Trung Hải vào các mục tiêu IS ở tỉnh Raqqa, Syria.
Hệ thống phòng thủ
Tàu Pie Đại đế được trang bị 2 hệ thống ngư lôi-tên lửa chống tàu ngầm 533mm RPK-6M cũng như trực thăng săn ngầm Ka-27PL dùng để tấn công tàu ngầm đối phương ở cự ly tới 60km.
Trực thăng trên có thể bay với tốc độ lên tới 74km/h, có khả năng phát hiện và dò các tàu ngầm lặn ở độ sâu tới 487m.
Các tàu Phó Đô đốc Kulakov và Severomorsk Dự án 1155 cũng tham gia bảo vệ đơn vị tấn công của hải quân Nga và dò tìm tàu ngầm địch. Các tàu này được trang bị hệ thống thủy âm Polin có tính năng dò tìm tàu ngầm địch ở cự ly 48km.
Các vũ khí chống tàu ngầm của các con tàu nói trên là một phần trong hệ thống tên lửa phổ thông Rastrub-B, có khả năng tấn công cả tàu mặt nước và tàu ngầm. Mỗi một tàu này chở 2 trực thăng Ka-27PL.
Tàu Đô đốc Kuznetsov
Việc tàu Đô đốc Kuznetsov tới Địa Trung Hải có khả năng thay đổi động lực của các chiến dịch Nga ở Syria. Tàu sân bay này sở hữu riêng một lượng hỏa lực mạnh, đồng thời là nơi trú ngụ của phi cơ phản lực và trực thăng với các tính năng bổ trợ.
Hệ thống phòng thủ của Đô đốc Kuznetsov bao gồm hệ thống tên lửa Granit P-700 với 12 bộ phận phóng. Đây là những tên lửa có cánh mạnh nhất có sẵn trên các tàu hiện có mặt ở Địa Trung Hải. Tên lửa có tầm bắn hơn 595km. Cũng có 8 hệ thống pháo và tên lửa phòng không Kortik (với 256 trái tên lửa), 6 thiết bị pháo hải quân AK-630, và 4 hệ thống tên lửa phòng không trên biển Kinzhal (với 192 trái tên lửa).
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Getty. |
Các hệ thống vũ khí này giúp tàu Kuznetsov kiểm soát không phận phía trên đơn vị hải quân này của Nga cũng như các mục tiêu duyên hải. Tuần dương hạm của nó cũng được trang bị 60 thiết bị nổ Udav-1 phóng bằng rocket để bảo vệ tàu trước các ngư lôi địch.
Ngoài năng lực tên lửa, tàu Đô đốc Kuznetsov có thể chở được 26 máy bay Su-33 và MiG-29K/KUB, cũng như 24 trực thăng Ka-27 và Ka-31. Trong chiến dịch không kích IS, tuần dương hạm chở 8 chiếc MiG.
Phi cơ MiG-29K có thể mang được các trái bom KAB-200 (bao gồm những trái bom có khả năng định vị GLONASS) và các tên lửa chống hạm H-35.
Phản ứng sau sự cố 9/11
Hải quân Nga đã thắt chặt các hoạt động của mình sau khi có sự cố 9/11 ở phía đông Địa Trung Hải. Hôm đó, nhóm tàu hải quân phát hiện một tàu ngầm của hải quân Hà Lan (được cho là thuộc lớp walrus) đang nỗ lực theo dõi đơn vị hải quân Nga. Các tàu Severomorsk và Phó Đô đốc Kulakov định vị được tàu ngầm ở cự ly hơn 19km với sự hỗ trợ của các hệ thống thủy âm và các trực thăng săn ngầm Ka-27PL.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết mặc dù tàu ngầm trên cố gắng lách quanh đơn vị hải quân Nga, các tàu của Nga đã thiết lập được liên hệ thủy âm ổn định với tàu ngầm này. Trong hơn một tiếng đồng hồ, các tàu Nga bám theo đường đi của tàu ngầm và buộc nó phải rời khỏi khu vực tổ hợp tàu sân bay Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên tổ hợp tàu sân bay Nga dò được tàu ngầm NATO khi đi trong Địa Trung Hải. Trước đó, tàu ngầm USS Virginia đã bị phát hiện theo dõi các tàu Nga./.