Mỹ đang bí mật chuyển hệ thống phòng không từ thời Liên Xô cho Ukraine?
VOV.VN - Wall Street Journal đưa tin, chính phủ Mỹ đang chuyển các hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô mà nước này bí mật sở hữu cho Ukraine.
Những hệ thống này được cho là lấy từ kho vũ khí nước ngoài mà cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ đã tìm cách thu thập trong nhiều năm dưới nhiều hình thức khác nhau để phục vụ cho mục đích phân tích và đào tạo tình báo. Chương trình có tên gọi Khai thác vũ khí nước ngoài (FME) có thể là nguồn cung cấp bổ sung cho khả năng phòng thủ mà Ukraine thực sự cần, Wall Street Journal cho biết.
Vẫn chưa rõ cơ quan hoặc tổ chức nào trong chính phủ Mỹ quản lý nỗ lực này. Lầu Năm Góc cũng chưa bình luận về thông tin trên tờ WSJ.
Theo Wall Street Journal, chính phủ Mỹ đã vận chuyển một số hệ thống vũ khí được cất giữ tại Kho vũ khí Redstone của Quân đội Mỹ ở Huntsville, Alabama tới Ukraine. Máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ được cho là đã tiếp nhận chúng tại một sân bay không xác định ở khu vực Huntsville.
Quân đội Mỹ đã rất tích cực trong việc cung cấp vũ khí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa viện trợ quân sự tới Ukraine, ngay cả trước khi Nga tiến hành cuộc tấn công. Các vũ khí này bao gồm nhiều hệ thống phòng không, tên lửa vác vai đất đối không và hệ thống phòng không di động (MANPADS). Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng việc chuyển giao những vũ khí và trang thiết bị mà các lực lượng Ukraine quen thuộc là điều rất cần thiết bởi điều đó sẽ giúp quân đội Ukraine đưa vào chiến đấu nhanh hơn và dễ dàng hơn. Phía Mỹ cho rằng, hệ thống phòng không trên bộ của Ukraine đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn các lực lượng Nga giành ưu thế trên không sau hơn 3 tuần giao tranh.
Tuy vậy Washington vẫn chưa công bố những hệ thống vũ khí cụ thể nào có từ thời Liên Xô sẽ đươc chuyển cho Ukraine. SA-8 Gecko là hệ thống cụ thể duy nhất Wall Street Journal cho biết có thể nằm trong kế hoạch chuyển giao cho các lực lượng Ukraine. SA-8 hay 9K33 Osa (theo cách gọi của Nga), là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm thấp và ngắn có độ cơ động rất cao. Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù SA-8 có tầm bắn thấp nhưng rất cơ động và có thể dễ cất giấu. Trung tâm Tình báo Tên lửa và Không gian (MSIC) của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Mỹ được cho là có ít nhất một hệ thống này trong kho vũ khí của họ.
Wall Street Journal dẫn một nguồn tin cho biết, hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300, còn gọi là SA-10 Grumble (theo cách gọi của NATO) mà chính phủ Mỹ đã âm thầm mua lại của Belarus vào năm 1994 có thể vẫn còn ở Mỹ. Riêng Không quân Mỹ được cho là đang sở hữu SA-8 cũng như những phiên bản khác mà Ukraine đang sử dụng, chẳng hạn như SA-13 và SA-15 Gauntlet. Hai hệ thống này có tên gọi 9K35 Strela-10 và 9K332 Tor-M2E (theo tiếng Nga), đều là những hệ thống phòng không tầm ngắn.
Trên đây chỉ là một số ví dụ về một loạt hệ thống phòng không di động có từ thời Liên Xô hoặc do Nga sản xuất mà chương trình FME của Mỹ được cho là đang sở hữu. Theo WSJ, có những loại khác cũng có thể được sử dụng cho Ukraine, chẳng hạn như những biến thể của dòng tên lửa Buk.
Tuy vậy, vẫn có rất nhiều câu hỏi về chức năng của các hệ thống này cũng như các loại tên lửa và thiết bị phụ trợ đi kèm khi đưa chúng đến Ukraine. Hơn nữa, hoạt động đào tạo và phát triển quân sự của Mỹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do việc chuyển giao các vũ khí nêu trên cho Ukraine.
Các quan chức Mỹ đã tích cực làm việc với đồng minh và đối tác để cố gắng tìm kiếm thêm các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô và hệ thống phòng không do Nga sản xuất cùng nhiều vũ khí khác chuyển giao cho Ukraine. Tuy nhiên, các nước thứ 3 thường cảnh giác với những giao dịch như vậy vì lý do chính trị hoặc đã vì những quy định riêng rất phức tạp và khó có thể đáp ứng.
Chính phủ Mỹ đã thảo luận với Slovakia về việc chuyển giao hệ thống S-300 của nước này cho Ukraine. Slovakia cho biết sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 nếu các đồng minh NATO tìm được vũ khí thay thế. Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ được coi là tương đương với S-300 do Liên Xô sản xuất.
Dự luật chi tiêu hàng năm của chính phủ Mỹ vừa được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật, có các điều khoản cho phép chuyển giao cho quân đội Ukraine và các đối tác NATO các loại máy bay, đạn dược, phương tiện và các thiết bị khác đang triển khai ở nước ngoài hoặc nằm trong kho của Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst của Iowa cho biết, luật sửa đổi cũng sẽ bao gồm các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô.
Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ là hành động gây leo thang căng thẳng cực nguy hiểm. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow "sẽ không cho phép" phương Tây cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Kiev. Ông thậm chí còn khẳng định rằng bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho Ukraine sẽ bị Nga coi là "mục tiêu tấn công hợp pháp"./.