Mỹ phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ mới bố trí trên mặt đất
VOV.VN - Mỹ đang phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo với kỳ vọng có khả năng đánh bại các mối đe dọa đối với nước này vào những năm 2030 và xa hơn nữa.
Hôm 23/3, Lầu Năm Góc đã công bố các hợp đồng phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo (Next Generation Interceptor - NGI) do các tập đoàn Northrop Grumman và Lockheed Martin chủ trì. NGI là chương trình do Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency - MDA) Mỹ quản lý, nhằm nâng cấp phương tiện tiêu diệt của tên lửa đánh chặn bằng cách tích hợp các hệ thống khác nhau của Lockheed Martin và Northrup Grumman để thay thế tên lửa đánh chặn của Boeing, sẽ được đưa vào trang bị năm 2027 hoặc 2028.
Các mối nguy hiểm de dọa nước Mỹ gồm ICBM và vũ khí hạt nhân di chuyển với tốc độ siêu thanh, các phương tiện dẫn đường chính xác và có thể nhiều tên lửa tấn công cùng một lúc, với một số lượng lớn đầu đạn phân tách độc lập (MIRV). MDA hy vọng có thể giải quyết những vấn đề này thông qua một loạt các cải tiến, bao gồm các vũ khí mới sử dụng laser cường độ cao, cũng như sáng kiến về NGI nhằm có được một loại vũ khí phòng thủ tên lửa mới triển khai vào cuối thập kỷ này.
Tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất (Ground-Based Interceptor - GBI) là phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống phòng thủ tầm trung bố trí trên mặt đất (Ground-Based Midcourse Defense - GMD), có nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế. NGI sẽ là một phần của hệ thống GMD - một mạng lưới radar, các phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo cùng các thiết bị khác, được thiết kế để bảo vệ lục địa Mỹ khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
NGI có thể được cấp kinh phí từ 10 đến 12 tỷ USD. Thỏa thuận với Northrop Grumman được cho có trị giá 3,9 tỷ USD và thỏa thuận với Lockheed Martin có thể lên tới 3,7 tỷ USD. Tên lửa đánh chặn mới sẽ xuất hiện vào năm 2028 hoặc muộn hơn, sẽ cần phải nhanh và có khả năng được trang bị nhiều “phương tiện tiêu diệt” để có thể hạ gục nhiều ICBM trong không gian cùng một lúc. Với nhiều cải tiến về công nghệ, NGI có nhiệm vụ giải quyết những mối đe dọa phức tạp hơn những mối đe dọa mà phương tiện tiêu diệt khí quyển (Exoatmospheric Kill Vehicle - EKV) đã phải đối mặt.
Northrop Grumman đã hợp tác với Raytheon trong một chương trình phát triển NGI nhằm tối ưu hóa các cải tiến và tiến bộ kỹ thuật từ mỗi tập đoàn thông qua các chương trình như ICBM răn đe chiến lược trên mặt đất của Northrop và tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Raytheon, cả hai đều khai thác các công nghệ đột phá trong các lĩnh vực như độ chính xác khi tấn công mục tiêu, cự li và độ tin cậy của các cấu phần chức năng.
Tên lửa đánh chặn NGI nặng 21.600 kg, dài 16,61 m, đường kính 1,28 m, dùng nhiên liệu rắn, được tạo thành từ một phương tiện tăng tốc (boost vehicle), được chế tạo bởi Orbital Sciences Corporation, và một phương tiện tiêu diệt khí quyển EKV, do Raytheon chế tạo; việc tích hợp được thực hiện bởi Boeing Defense, Space & Security. Phương tiện tăng tốc quỹ đạo ba giai đoạn (Orbital Boost Vehicle OBV) sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn ở tầng trên của bệ phóng Taurus. Một phiên bản hai giai đoạn (hai tầng) đã được thử nghiệm thành công vào năm 2010 để sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa NATO của châu Âu như một phương án dự phòng cho Hệ thống Tên lửa Tiêu chuẩn Aegis 3.
Tổng cộng có 64 tên lửa đánh chặn được Mỹ lên kế hoạch bố trí, gồm 30 tên lửa đánh chặn đã được triển khai vào cuối năm 2010 tại Căn cứ Không quân Fort Greely (Alaska) và Vandenberg (California), với 14 tên lửa bổ sung được triển khai trước năm 2017 và thêm 20 tên lửa GBI đã được lên kế hoạch. Kể từ năm 2006, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đã tiến hành 7 cuộc thử nghiệm đánh chặn với tên lửa đã được chấp nhận, bốn trong số đó đã thành công.
Mặc dù GMD đã gặp phải các vấn đề về kiểm soát chất lượng và độ tin cậy kém, nhưng các vấn đề đã được cải thiện trong các thử nghiệm gần đây. Một vụ đánh chặn vào năm 2014 đã phá vỡ một chuỗi dài các cuộc thử nghiệm thất bại, một vụ đánh chặn khác vào năm 2017 đã phá hủy thành công một mục tiêu là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và một vụ thử nghiệm hồi tháng 3/2019 đã sử dụng hai tên lửa đánh chặn để tiêu diệt một mục tiêu ICBM.
Năm 2019, Mỹ đã hủy bỏ hợp đồng với Boeing nhằm chế tạo một phương tiện tiêu diệt “Kill Vehicle”, về cơ bản là phần đầu của một tên lửa đánh chặn, có thể tự tách ra trong không gian và tiêu diệt các đầu đạn đang bay tới. Có thông tin rằng Mỹ đã chi 1,2 tỷ USD cho dự án này, tuy nhiên, đã bị buộc phải hủy sau khi gặp sự cố kỹ thuật. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho Năm Tài chính 2021 ban hành ngày 3/12/2020 đã yêu cầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa bắt đầu phát triển 20 GBI tạm thời.
GBI tạm thời phải đáp ứng các yêu cầu đối với phương tiện tiêu diệt được thiết kế lại (Redesigned Kill Vehicle - RKV, bị hủy bỏ ngày 21/8/2019), với các tính năng tối thiểu: thông tin liên lạc giữa phương tiện với phương tiện; khả năng đánh giá số lần đánh chặn và chống lại các biện pháp đối phó; khả năng sản xuất; sử dụng công nghệ đã kiểm nghiệm hoàn chỉnh; khả năng tích hợp với các phần tử đánh chặn không thuộc GBI. Kinh phí GBI tạm thời sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào năm 2026 được bổ sung vào ngân sách năm tài chính 2021.
Được biết, tên lửa đánh chặn SM-3IIA gần đây đã tiêu diệt một mục tiêu loại ICBM. Raytheon dự định sẽ cải tiến và nâng cao hơn nữa các công nghệ tìm kiếm được thiết kế để dẫn đường cho các phương tiện tiêu diệt. Những nâng cấp này sẽ bao gồm khả năng phân biệt và xác định mục tiêu thực giữa nhiều vật thể bay nhanh trong không gian. Các phương tiện đánh chặn tìm kiếm và tiêu diệt sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu phân biệt mồi nhử với ICMB thực tế, mảnh vỡ hoặc các biện pháp đối phó khác nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho các phương tiện đánh chặn, từ đó, bỏ sót mục tiêu ICBM thực.
Mặc dù cả Raytheon và Northrop đều không giải thích chi tiết kỹ thuật cụ thể nào liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng thực sự có khả năng là bất kỳ sản phẩm nào của NGI sẽ tìm cách kết hợp nhiều thiết bị đánh chặn tiêu diệt và một thế hệ công nghệ tìm kiếm mới để phân biệt và nhắm mục tiêu các mối đe dọa và nếu cần, phá hủy nhiều ICBM cùng một lúc. Theo Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ - Phó Đô đốc Jon Hill - sau khi được đưa vào trang bị, tên lửa phòng thủ đánh chặn mới này được mong đợi sẽ có khả năng đánh bại các mối đe dọa vào những năm 2030 và xa hơn nữa.
Washington đang tìm cách phát triển công nghệ có khả năng bảo vệ khỏi các tên lửa đạn đạo hiện nay và các mối đe dọa khác từ các quốc gia như Triều Tiên và Iran. Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên phóng thử hai tên lửa tầm ngắn, được cho là tên lửa đạn đạo, xuống vùng biển gần Nhật Bản. Theo các chuyên gia, Mỹ cũng cảm thấy cần thiết phải phát triển NGI vì đối thủ của họ là Nga sở hữu S-400 SAM, được coi là hệ thống phòng thủ sát thương nhất thế giới. S-400 được thiết kế phức tạp để phát hiện và tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, với tốc độ Mach 6, có thể tấn công mục tiêu ở cự ly tới 400 km và độ cao 30 km./.