Mỹ quan tâm tới tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc
VOV.VN - Mỹ vẫn còn mất nhiều tháng nữa mới có thể ra mắt tên lửa siêu thanh đầu tiên của mình. Trong khi đó, Trung Quốc đã thử nghiệm từ đầu năm 2021.
Mối quan ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ
Báo cáo của Lầu Năm Góc viết: “Tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 đã trải qua một số cuộc thử nghiệm thành công và được triển khai hoạt động. DF-17 có thể mang được đầu đạn hạt nhân”.
Dựa trên truyền thông Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung: Hệ thống này, được triển khai vào năm 2020, có thể thay thế một số hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) lỗi thời.
Mỹ gặp khó về phương pháp chống đỡ
Theo các báo cáo trước đó, DF-17 có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Nó có thể bay tới mục tiêu trong cự ly tối đa là 2.500km.
Tên lửa siêu thanh này thu hút sự chú ý của báo giới vào tháng 10/2019, khi Trung Quốc tổ chức một cuộc diễu binh kỷ niệm ngày thành lập nước. Sau đó, Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa (PLA) thực hiện cuộc thử nghiệm siêu thanh đầu tiên liên quan đến thiết bị lướt DF-17 vào mùa xuân năm 2021. Sự kiện này gây rúng động nước Mỹ.
Mỹ trước đó thừa nhận năng lực tên lửa ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc đã hướng sự chú ý sang củng cố phòng thủ tên lửa ở đảo Guam nhằm bảo vệ Mỹ trước tên lửa tầm xa DF-26 - tên lửa có tầm bắn vươn tới Căn cứ không quân Andersen.
Xin lưu ý thêm rằng cực kỳ khó hoặc gần như không thể phòng thủ trước một tên lửa bay tới với tốc độ siêu thanh ở khu vực Thái Bình Dương. Các chỉ huy của Mỹ trong khu vực sẽ có ít thời gian hoặc không có thời gian để theo dõi tên lửa siêu thanh bay tới để có thể đánh chặn hoặc phản công.
Mặc dù các tổ hợp Patriot và THAAD của Mỹ bảo vệ khu vực này, các hệ thống đó không được trang bị để ngăn chặn một quả tên lửa siêu thanh bay tới với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và đi theo đường bay không dự đoán được.
Vài thông số nữa về DF-17
DF-17 là một tên lửa đạn đạo tầm trung đặt trên hệ thống lướt siêu âm DF-ZF. Tên lửa có thể phóng từ một bệ phóng đặt trên xe tải cơ động và có tầm bắn lên tới 2.500km.
Sau khi lên tới độ cao ngoài khí quyển, tên lửa tách ra và sử dụng một thiết bị lướt siêu thanh (HGV) để tìm mục tiêu. Do tốc độ cao, đường bay thấp, và sự linh hoạt trong hành trình bay, hệ thống lướt nói trên có thể xuyên thủng hệ thống phòng không tinh vi của đối phương trong các hoàn cảnh mà các hệ thống tên lửa thông thường sẽ khó vượt qua.
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết rằng “các hệ thống phòng không của Mỹ như tên lửa THAAD, SM-3 và Patriot triển khai ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Đài Loan và trên các chiến hạm Mỹ sẽ không có tác dụng trước DF-17”.
Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping tiết lộ thêm, DF-17 cũng có khả năng tấn công các tàu sân bay khi di chuyển từ từ.
Ngoài ra, một số thông tin cho hay, DF-17 mặc dù được phóng từ mặt đất nhưng cũng có biến thể để phóng từ máy bay ném bom.
Về phần mình, Trung Quốc đã chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc./.