Phương Tây đánh giá quá thấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga?
VOV.VN - Việc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov bị một tờ báo Mỹ liệt vào danh sách tồi tệ nhất thế giới cho thấy phương Tây đang có cái nhìn “hằn học” với Nga.
Giá trị của “tàu sân bay tồi tệ nhất thế giới”
Theo Sputnik News, mới đây nhất, tờ National Interest của Mỹ đặt tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào vị trí số 1 trong danh sách 5 tàu sân bay tồi tệ nhất thế giới. Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Nga Vasily Kashin, Đô đốc Kuznetsov đã mang lại những “giá trị vô giá” cho Hải quân Nga.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Trước đó, trong bài viết của mình trên tờ National Interest, nhà báo Mỹ Farley nhận định: “Quá trình đóng tàu và bảo dưỡng tàu quá tệ đã khiến Hải quân Nga rất khó có thể duy trì hoạt động tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng như đóng góp nhiều cho an ninh của Nga”.
Nhà báo này cũng viện dẫn việc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov từng phải trải qua quá trình sửa chữa quá dài và cho rằng, để tàu sân bay này hoạt động hiệu quả như các tàu sân bay của Mỹ và phương Tây, Nga sẽ phải tốn rất nhiều tiền và nước này “chưa thể làm được điều này vào thời điểm hiện tại”.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Vasily Kashin, “tiếng xấu” liên quan đến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov xuất phát từ chính những thông tin có phần tiêu cực mà một số chuyên gia có tư tưởng bài Nga ở trong nước công bố.
“Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã trở thành nạn nhân của những định kiến chống lại hạm đội tàu chiến của Nga. Có rất nhiều chuyên gia tại Nga tin rằng, đặc điểm địa lý quá rộng lớn khiến Nga không nên duy trì những con tàu vượt đại dương trong hạm đội của mình và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trở thành “miếng mồi ngon” để họ chỉ trích”, chuyên gia Kashin nói.
Cũng theo ông Kashin, những lời chỉ trích đó được các học giả phương Tây dẫn lại và với thái độ thù địch Nga, họ tìm cách thổi phồng bất kỳ một thiếu sót nào của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov “theo cách khó có thể tưởng tượng nổi”.
Trong khi đó, thực tế hoàn toàn ngược lại, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã chứng tỏ được “tính ưu việt của mình trong việc xây dựng lực lượng phi công dự bị cho các máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay này trong những năm 1990 và 2000”.
Không chỉ hiệu quả về mặt tác chiến, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov còn chứng tỏ được hiệu quả về mặt kinh tế khi giúp các kỹ sư Nga có được trải nghiệm thực tế để có thể chế tạo các trang thiết bị phục vụ cho tàu sân bay để xuất khẩu.
“Trong những năm 2000 và đầu 2010, dựa trên kiến thức về tàu sân bay, Nga đã giúp đóng tàu sân bay Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ và thu về tới 5 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ còn mua các chiến đấu cơ MiG-29K và MiG-29KUB cùng các trang thiết bị để đóng thêm một tàu sân bay nữa”, ông Kashin nói.
Ảnh: Sức mạnh tiêm kích bảo bối của tàu sân bay Nga Su-33
Mục tiêu chiến lược khác biệt
Một lý do khác dẫn đến việc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov bị đánh giá thấp thảm hại chính là việc chiếc tàu này không thích hợp để tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự lâu dài trên khắp thế giới như tàu sân bay của các nước phương Tây.
Theo chuyên gia Kashin, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov “được xây dựng dựa trên nền tảng học thuyết quân sự hoàn toàn khác”. Theo đó, nhiệm vụ của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là bảo vệ các khu vực tuần tra của các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân để ngăn ngừa khả năng các tàu này bị tấn công phủ đầu.
Chính vì thế, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lực lượng hạt nhân phòng vệ của Liên Xô trước đây và Nga sau này. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có thể mang theo các chiến đấu cơ hạng nặng Su-33 cùng 12 tên lửa hành trình Granit với tầm bắn lên đến 550km.
Chuyên gia Kashin khẳng định, với số chiến đấu cơ và vũ khí hùng hậu như thế này, kẻ thù sẽ rất khó khăn để có thể phá vỡ vòng tuyến phòng thủ mà tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cùng nhóm tàu hộ tống thiết lập.
Ngoài ra, kinh nghiệm từ chiến dịch quân sự tại Syria cho thấy, khi được trang bị các chiến đấu cơ tối tân, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoàn toàn có thể đóng vai trò như các tàu sân bay của phương Tây trong các chiến dịch viễn chinh.
“Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov giờ đã có thể thực hiện các đợt tấn công chính xác vào các mục tiêu sử dụng đạn truyền thống hoặc đạn dẫn đường. Trong khi đó, trung tâm chỉ huy trên tàu có thể dễ dàng điều phối việc sử dụng các loại vũ khí này”, chuyên gia Kashin nói thêm.
Liên quan đến vụ 2 chiến đấu cơ MiG-29K và Su-33 mất tích trong chiến dịch quân sự ở Syria năm 2016, chuyên gia Kashin cho rằng, lỗi xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm của các cá nhân chứ không phải từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov: “Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là nếu xét đến việc đây là lần đầu tiên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tham chiến ở nước ngoài”.
Cuối cùng, chuyên gia Kashin cho rằng, việc xếp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tệ hơn cả những tàu sân bay “khét tiếng” vì những sự cố trong quá trình hoạt động là hết sức khó hiểu. Ngoài ra, việc so sánh tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov với những tàu sân bay có giá đắt đỏ hơn nhiều cũng là “hết sức khập khiễng”.
“Ngay cả khi chấp nhận những “lỗi về thiết kế” như các chuyên gia phương Tây vẫn hay đề cập, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vẫn là một tàu chiến hết sức hữu dụng và sẽ phục vụ lâu dài cho Hải quân Nga. Hải quân Nga có quyền tự hào về chiếc tàu chiến này cũng như những nỗ lực của họ trong việc đảm bảo hoạt động của tàu trong những thời điểm hết sức khó khăn về kinh tế”, ông Kashin kết luận.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hiện đang trong quá trình “hiện đại hóa” kéo dài 3 năm. Sau khi quá trình này kết thúc, tàu sẽ tiếp tục hoạt động trong biên chế của Hải quân Nga trong vòng 25 năm tới./.