Phương Tây hoang mang trước một loại vũ khí hạt nhân mới của Nga
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng Nga cố tình khoe thứ vũ khí hạt nhân mới rất đáng sợ qua việc để hé lộ tài liệu mật nhằm làm cho phương Tây hoang mang.
Truyền hình nhà nước Nga mới đây trình chiếu chi tiết về một quả ngư lôi hạt nhân mới được phóng đi từ tàu ngầm của Nga. Điện Kremlin sau đó tuyên bố thông tin này lẽ ra không nên phát sóng. Tuy nhiên một số nhà quan sát thì lại coi đây là một hành động cố ý làm rò rỉ thông tin.
Tổng thống Nga Putin bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu tại cuộc họp về quân sự mới đây ở Sochi. Ảnh: AP. |
Các kênh truyền hình nhà nước của Nga vốn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của điện Kremlin nên người ta nghi ngờ rằng đây là hành động được cố tình thực hiện nhằm làm cho phương Tây phải lo sợ vào thời điểm mà quan hệ giữa phương Tây và Nga ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Kênh NTV và kênh 1 đã chiếu rõ một tài liệu lớn – được ghi hình qua vai của một vị trướng trong một cuộc họp với Tổng thống Putin, trong đó có những bản vẽ và các thông số chi tiết của một hệ thống vũ khí trong tương lai, có tên gọi là Status-6.
Hệ thống này do cục thiết kế Rubin ở Saint Petersburg phát triển. Trong hệ thống đó có các tàu ngầm hạt nhân mang ngư lôi tầm xa, có khả năng tạo ra “những vùng nhiễm xạ mở rộng” khiến khu vực bờ biển đối phương “không còn thích hợp cho các hoạt động quân sự, kinh tế, thương mại... trong một thời gian dài”.
Các kênh truyền hình của Nga sau đó đã loại bỏ đoạn clip - được ghi trong một phiên họp ở Sochi hôm 9/11.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, vào cuối ngày 11/11 phát biểu: “Đúng là một số thông tin mật đã bị camera ghi lại và do vậy đã bị loại bỏ sau đó. Chúng tôi hy vọng điều này không tái diễn”.
Tuy nhiên các chuyên gia độc lập nhận xét rằng khó có thể tưởng tượng được chuyện các quay phim của truyền hình nhà nước Nga lại đi quay cận cảnh tài liệu trên bàn cuộc họp của điện Kremlin về các vấn đề quân sự.
Đa số các chuyên gia xem sự cố này là một hành động cố ý làm lộ thông tin với mục đích cảnh cáo Washingtin cùng các đồng minh của họ rằng Nga đang phát triển một loại vũ khí mới có sức tàn phá ghê gớm và có khả năng thay đổi cán cân trong các cuộc xung đột.
Tổng thống Putin đã tổ chức 4 cuộc họp về vấn đề quốc phòng trong tuần này – điều này cho thấy ông chú ý sát sao đến việc hiện đại hóa quân đội vào thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây về khủng hoảng Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga mô tả chương trình phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu là một nỗ lực phá vỡ thế cân bằng hạt nhân. Ông cũng đã cảnh báo rằng Moscow sẽ vô hiệu hóa điều đó bằng cách triển khai các vũ khí tấn công mới có khả năng chọc thủng lá chắn tên lửa.
Theo các chuyên gia và bình luận viên quân sự, khái niệm ngư lôi hạt nhân có từ thập niên 1950. Người đầu tiên đưa ra khái niệm này là Andrei Sakharov, cha đẻ của quả bom nhiệt hạch đầu tiên của Liên Xô. Nhà khoa học này đề xuất nhắm bắn Mỹ bằng các ngư lôi hạt nhân năng lượng cao có khả năng tạo ra các đợt sóng thần và mức độ phóng xạ cao để biến các khu vực bờ biển rộng lớn thành nơi không thể sinh sống được.
Khi ấy đề xuất này đã bị bác bỏ, một phần là do công nghệ hải quân thời kỳ đó không cho phép tàu ngầm Xô viết tiếp cập bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện.
Hệ thống vũ khí Status-6 có vẻ như là làm sống lại ý tưởng năm xưa, theo chuyên gia phân tích quân sự Pavel Felgenhauer.
Chuyên gia này nói: “Ý tưởng ở đây là phóng một quả bom hạt nhân sức công phá 100 megaton vào bờ biển Mỹ. Nó sẽ tạo ra một trận sóng thần với mức phóng xạ cao”.
Theo các chi tiết được tiết lộ trên truyền hình nga, quả ngư lôi đó có tầm hoạt động 10.000km (xuyên đại dương).
Chuyên gia phân tích Pavel Podvig ở Geneva cho biết rất khó phát hiện và phá hủy từ xa quả ngư lôi này do nó có kích thước bé, lại lao đi ở độ sâu 1km với tốc độ 105km/h.
Theo ông này, dò tìm một quả ngư lôi như thế này khác biệt đáng kể với dò tìm một chiếc tàu ngầm./.