Tiết lộ vũ khí “có thể thay đổi cuộc chơi” giúp Ukraine bắn hạ bom lượn Nga
VOV.VN - Thành công của Ukraine trong việc bắn hạ bom lượn KAB đã làm dấy lên đồn đoán về loại vũ khí được sử dụng. Theo một phân tích của truyền thông Ukraine, vũ khí này có thể đơn giản đến bất ngờ.
Vũ khí thử nghiệm
Ukraine tuyên bố đã triển khai một loại vũ khí bí mật để phá hủy một quả bom lượn của Nga đang trong quá trình bay. Không quân nước này không cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí nhưng một số báo cáo cho biết, nó đã được sử dụng để phá hủy một quả bom dẫn đường trên không (KAB) của Nga tại Zaporizhzhia vào ngày 6/2.
![tiết lộ vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi giúp ukraine bắn hạ bom lượn nga hình ảnh 1 tiet lo vu khi co the thay doi cuoc choi giup ukraine ban ha bom luon nga hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/aa1yozmm.jpg)
Việc bắn hạ thành công một quả bom lượn Nga mà truyền thông Ukraine đưa tin rộng rãi, được cho là nhờ vào một loại “vũ khí thử nghiệm”, tuyên bố chính thức của Ukraine cho biết. Bài phân tích trên Telegram của Ukraine cho thấy, "vũ khí thử nghiệm" có thể là một hệ thống đơn giản, khá phổ biến và có giá thành phải chăng.
Ông Yuriy Ihnat, người phát ngôn của lực lượng Không quân Ukraine, cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên phương tiện tấn công trên không như vậy bị bắn hạ. Để chống lại mối đe dọa từ bom lượn một cách hiệu quả, cần có một cách tiếp cận toàn diện, sử dụng cả các phương tiện phòng không trên mặt đất và phương tiện trên không để xua đuổi máy bay Nga mang theo những quả bom này".
Theo Defense Express, quân đội Ukraine nhiều khả năng sử dụng hệ thống phòng không ZU-23-2, có tầm bắn 2,5km, để bắn hạ bom lượn KAB. Đây là một loại vũ khí cũ, được sản xuất từ những năm 1960 và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
“Việc sử dụng pháo phòng không cho mục đích như vậy có thể coi là giải pháp khả thi vì hỏa lực của nó rất hiệu quả”, Defense Express nhấn mạnh.
Mặc dù ZU-23-2 có tuổi đời khá cao và cấu tạo đơn giản nhưng khả năng của nó có thể được tăng cường bằng các hệ thống phát hiện mục tiêu và kiểm soát hỏa lực hiện đại.
Cách tiếp cận này đã được những kỹ sư chế tạo hệ thống PSR-A Pilica của Ba Lan áp dụng, theo đó, họ bổ sung thêm thêm hệ thống phát hiện và dẫn đường mục tiêu tự động cho pháo phòng không. Giải pháp đó cho phép các hệ thống hoạt động cùng nhau dưới sự giám sát của người vận hành, phá hủy các mục tiêu theo cơ chế bán tự động.
Sau khi được bổ sung các hệ thống tiên tiến, hiệu quả của hệ thống phòng không ZU-23-2 được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, quy trình hiện đại hóa hệ thống này vẫn vấp phải một số rào cản nhất định.
Sức mạnh của tổ hợp pháo phòng không ZU-23-2
Tổ hợp pháo phòng không ZU-23-2 ra đời trong thập kỷ 1960 là một trong những dòng vũ khí phòng không phổ biến nhất trên thế giới. Đây là một vũ khí mạnh mẽ và đa năng với các ứng dụng phòng không và hỗ trợ mặt đất.
Tổ hợp gồm 2 pháo cỡ 23mm 2A14 có thể bắn được 2.000 viên đạn/phút. Do có kích thước nhỏ gọn, hệ thống có thể dễ dàng lắp đặt trên khung gầm xe tải hạng nhẹ để tăng cường khả năng cơ động. Việc tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực tự động, hệ thống ngắm bắn quang-ảnh hồng ngoại kết hợp đo xa laser đã nâng cao đáng kể xác suất tiêu diệt mục tiêu.
Pháo có thể được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong vòng 30 giây và vừa bắn vừa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp. Pháo được ngắm và bắn hoàn toàn bằng thủ công, trang bị một kính ngắm quang học ZAP-23 cùng một thước ngắm cơ khí. ZU-23-2 có thể sử dụng đạn xuyên giáp, đạn cháy hoặc đạn nổ mạnh phân mảnh. Pháo phòng không này hoạt động hiệu quả khi nhắm bắn các mục tiêu ở độ cao lên tới 2 km và ở khoảng cách lên tới 2,5 km.
Forbes đưa tin, Ukraine nhiều khả năng gắn pháo tự động ZU-23-2 vào xe bọc thép chở quân M-113. Xe M-113 do Mỹ thiết kế, nặng 14 tấn với động cơ diesel 275 mã lực, có thể chứa kíp lái gồm 2 người và 11 binh sỹ. M-113 thiếu khả năng bảo vệ bằng giáp, nhưng bù lại có tính cơ động và tính linh hoạt cao. Khi được lắp thêm hệ thống pháo ZU-23-2, nó sẽ trở thành xe phòng không và hỗ trợ bộ binh. Quân đội Ai Cập, Liban, Hezbollah và lực lượng dân quân người Kurd đều đã vận hành xe M-113 trang bị ZU-23-2. Ukraine trước đó đã gắn hệ thống pháo ZU-23-2 vào nhiều phương tiện kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2024.
Tính cơ động của hệ thống ZU-23-2 khi được gắn trên xe tải hoặc xe bọc thép đảm bảo rằng các khẩu pháo phòng không có thể được định vị lại nhanh chóng để ứng phó với sự đổi của chiến trường hoặc chống lại các mối đe dọa từ UAV. Hơn nữa, khả năng triển khai và thu hồi nhanh chóng hệ thống pháo khi lắp trên phương tiện di động giúp tăng cường khả năng sống sót của chúng, cho phép các lực lượng Ukraine giảm thiểu nguy cơ bị nhắm mục tiêu bởi hỏa lực đối phương hoặc các mối đe dọa trên không.
Việc sử dụng rộng rãi bom lượn là một trong những lý do giúp Nga phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine nhanh hơn trước và đạt được những bước tiến trên nhiều mặt trận. Do vậy nếu Ukraine có thể tìm ra cách thức để phá hủy bom lượn một cách hiệu quả và ít tốn kém bằng pháo cỡ nhỏ thì điều này có thể giúp họ từng bước đạt lợi thế nhất định.