50% các trường hợp tử vong liên quan tới lương thực, thực phẩm

VOV.VN - Hàng năm trên thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó một nửa xảy ra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh” tại Hà Nội sáng 23/4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam (VINASTAS) trích báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, 50% các trường hợp tử vong trên thế giới có liên quan tới lương thực, thực phẩm.

Ở Việt Nam, năm 2013 có 167 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 3.600 người, làm 28 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm hóa chất, kim loại nặng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản...

Các đại biểu tại Hội thảo, chỉ ra một số nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm như sử dụng chất bảo vệ thực vật có trong danh mục cấm, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp... Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác cũng là nguồn ô nhiễm thực phẩm như buôn lậu qua biên giới, các mặt hàng nhập khẩu hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ví dụ như: gà thải loại, nội tạng động vật ôi thiu, sữa nhiễm melamine...

Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu, quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam (ngoài cùng bên trái) 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng. Theo ông, người tiêu dùng cần phải hiểu biết về thực phẩm an toàn và đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn.

Vấn đề ATVSTP không chỉ là mối quan tâm của các nước đang phát triển như Việt Nam mà còn là mối lo ngại của các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức. Tại Mỹ, hàng năm có tới 5% dân số bị ngộ độc thực phẩm. Năm 2011, khoảng 4.000 người Đức bị ngộ độc thực phẩm do chủng Escherichia Coli gây ra, làm 53 người tử vong. Ở Bradford (Anh), hơn 200 người bị nhiễm độc Arsenic, trong đó 20 người thiệt mạng.

Ở Iraq, do không tuân thủ chặt chẽ quy định dán nhãn mác sản phẩm, đã khiến hàng trăm người thiệt mạng do ăn phải hạt giống được xử lý bằng thuốc diệt nấm có thủy ngân. Mặc dù các túi hạt giống nhập khẩu được dán nhãn mác và in cảnh bảo, nhưng lại bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Người dân không đọc được nên nghĩ rằng đó là túi thực phẩm và mang ra ăn. Hậu quả là 650 người đã thiệt mạng và nhiều người bị tổn thương não.

Để  bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, cần có sự đồng thuận mạnh mẽ từ các cấp, các ngành, doanh nghiệp, xã hội và chính người tiêu dùng. Cần tẩy chay không mua bán, tiêu thụ các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng không đúng như khi quảng cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên