Ai nên chụp CT liều thấp tầm soát ung thư phổi?
VOV.VN - Ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư. Nếu xét về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thì hai số liệu này tương đương nhau.
Với mong muốn làm sao phát hiện sớm bệnh nhân ung thư phổi để điều trị sớm, kéo dài thời gian sống, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương và 18 nhà khoa học châu Á vừa công bố một báo cáo kêu gọi tăng cường tầm soát ung thư phổi ở châu Á thông qua việc sử dụng CT liều thấp. Đây là một chương trình tầm soát đã được nghiên cứu từ những năm 80, 90 về trước. Năm 2000 một số quốc gia đã phê duyệt và coi đây là biện pháp tầm soát đánh giá ung thư phổi hiệu quả, có thể giảm được tỷ lệ tử vong.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, CT liều thấp có nghĩa là chụp CT nhưng với liều thấp hơn so với liều tiêu chuẩn và sẽ được làm định kỳ 1 hoặc 2 năm một lần để hạn chế nguy cơ về chất chiếu xạ. So với liều tiêu chuẩn CT liều thấp có ưu điểm phát hiện nhiều hơn mức cần thiết, chẩn đoán quá mức những tổn thương bất thường, dù rất nhỏ cũng có thể phát hiện ra, từ đó bệnh nhân sẽ được theo dõi, đánh giá.
Đặc điểm của CT liều thấp là phải làm định kỳ, quan trọng nữa là quy trình chụp và công thức chụp phải giống nhau để có sự so sánh, phát hiện những tổn thương mới, đánh giá tổn thương đó, đấy chính là lợi ích quan trọng và như thế chúng ta phát hiện những khối u hoặc những khối bất thường chỉ 4 đến 6mm hoặc 8mm. "Với những khối u 8mm là bắt đầu phải có những tác động khác, đó là thay đổi thời gian chụp lại để đánh giá và những tổn thương ấy đến lúc nào phải chỉ định xác định bằng sinh thiết và phải can thiệp" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Mỹ và các nước châu Âu quy định chỉ số để đưa vào chương trình sàng lọc ung thư phổi bằng CT liều thấp là những người trên 40 tuổi, hút thuốc trên 20 bao năm (tức 1 bao/ngày trong 20 năm liên tiếp). Tuy nhiên, tại Châu Á, dựa trên những bằng chứng của Châu Mỹ, châu Âu và nghiên cứu quan sát của các nước châu Á, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, các chuyên gia đã thống nhất độ tuổi và nhóm nguy cơ nên tầm soát, sàng lọc ung thư phổi bằng chương trình CT liều thấp là từ 50-75 hoặc 80 tuổi và những trường hợp dù không hút thuốc nhưng có tiền sử gia đình có thế hệ gần nhất bị ung thư phổi thì cũng nên đưa vào chương trình sàng lọc.
Từ số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư, đặc biệt hiện nay ung thư phổi có thể gặp ở những người được đánh giá là ít có yếu tố nguy cơ như phụ nữ hay những người dưới 40 tuổi, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ sàng lọc ung thư phổi sớm bằng CT liều thấp tại các bệnh viện. Tuy nhiên, để triển khai chương trình này cần có sự thay đổi về chính sách và nhận thức của người dân.
"Bộ Y tế đã ra hướng dẫn phát hiện những trường hợp UT phổi không tế bào nhỏ, cũng đã khuyến cáo sử dụng CT liều thấp để tầm soát, tuy nhiên 1 số BV làm chưa mang tính chất hệ thống. Bởi vì về mặt chính sách hiện nay BHYT chưa thanh toán vì coi đó là biện pháp dự phòng, bản thân người bệnh, nếu phải chụp định kỳ hàng năm nhiều người cũng chưa chấp nhận. Thứ 2 là các cơ sở y tế phải có 1 chương trình bài bản, tức là phải có máy CT, trong đó có cài đặt chương trình tầm soát ung thư phổi CT liều thấp. Chương trình đó đảm bảo định danh của người chụp và cách thức để chụp, lưu trữ dữ liệu năm này qua năm khác và dữ liệu đó phải lấy ra một cách tuần tự, chuẩn xác, và nếu như được ứng dụng trí tuệ nhân tạo nữa thì rất tốt..." - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phân tích.
Hiện nay bệnh viện phổi từ TW đến các tỉnh đều đang triển khai chương trình phát hiện bệnh lao chủ động bằng X-quang, có thể lồng ghép thêm nội dung về ung sàng lọc thư phổi. Song đây không phải là biện pháp được khuyến cáo để sàng lọc ung thư phổi giai đoạn sớm, bởi nếu đã phát hiện ung thư phổi trên X-quang thì thường đã ở giai đoạn muộn. Khi đó, dù hiện nay y học đã phát triển được nhiều kỹ thuật hiện đại, giúp ích cho việc điều trị ung thư phổi, tuy nhiên tỷ lệ sống thêm của BN chỉ được khoảng 1 năm. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1A, 1B, 80% bệnh nhân có thể sống trên 5 năm. Do đó, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi bằng chương trình CT liều thấp là phương pháp được các chuyên gia khuyến cáo cần được triển khai sớm ở các cơ sở y tế. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp bác sĩ có thể chỉ định phương pháp tối ưu nhất như cắt bỏ khối u, hóa trị, trị xạ, điều trị tia xạ, điều trị miễn dịch, điều trị đích, điều trị bổ trợ bằng chăm sóc tập luyện…tất cả những liệu pháp này đều có ý nghĩa trong điều trị ung thư mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh.