Bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng liên quan đến vấn đề tiêm chủng
VOV.VN - Số bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, chủ yếu là những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh chờ đợi vaccine dịch vụ mà chưa có, nên con họ không được tiêm đúng lịch, dẫn đến mắc sởi hoặc ho gà.
Sau hơn 20 ngày cho con điều trị tại tuyến dưới nhưng không hết triệu chứng ho, chị Phạm Thị Quế ở Uông Bí, Quảng Ninh đưa con gái vào điều trị tại khoa truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, cháu bé được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine.
Chị Quế cho biết, trước đây, con chị đã tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1 Quinvaxem phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do, con gái của chị Quế chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh.
“Con tôi năm nay 2 tuổi, cháu mới được tiêm 1 mũi vaccine, sau đó cứ đến lịch tiêm thì lại ốm nên tôi không dám cho cháu đi tiêm mũi kế tiếp”, chị Quế nói.
TS. Phạm Quang Thái, Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc cho biết, có khoảng 61% số trẻ mắc sởi và hầu hết số trẻ mắc ho gà chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh vì đang đợi tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần ho gà; trong khi đó vaccine này rất thiếu.
“Nhìn chung bệnh ho gà có xu hướng tăng nhẹ bởi đây là bệnh lây từ người sang người. Hiện giờ người dân lại hay tìm đến các loại vaccine dịch vụ, vô hình chung kéo dài thời gian trẻ không được bảo vệ. Chính những trẻ không được bảo vệ lại vô tình trở thành cầu nối mang bệnh đến cho những trẻ bé hơn, có những trẻ 2 tháng tuổi trở xuống đã bị nhiễm”, TS. Phạm Quang Thái cho biết.
Trong khi đó, tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cấp tỉnh trung bình đạt tới 92%, nhưng tại cấp huyện và xã thì xuất hiện “vùng lõm. Về tiêm chủng, có xã tỷ lệ tiêm chỉ đạt 50% và tỷ lệ này ở nhiều huyện chỉ đạt 80%, thậm chí tại những thôn bản vùng khó khăn không có trẻ em nào được tiêm chủng nên không đảm bảo hiệu quả phòng dịch bệnh.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, đây là nguyên nhân khiến bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện rải rác và có chiều hướng tăng.
“Qua điều tra cộng đồng, các bệnh truyền nhiễm vẫn ở mức độ rải rác chưa thành những ổ dịch tập trung nhưng có thể thấy rằng phần lớn là những trẻ em chưa đến tuổi để tiêm chủng và những trẻ bị hoãn tiêm chủng hoặc một số lý do nào đó mà chưa được tiêm chủng. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo rằng tất cả các trẻ em đều phải tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu không tiêm chủng đúng lịch thì rất có thể bị mắc sớm đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp mà có phơi nhiễm cao như: Sởi, ho gà và Ruberla”, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Thời điểm mùa Đông Xuân hiện nay rất dễ lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, ho gà… Tuy nhiên, vẫn đang có hàng nghìn trẻ em chờ đợi để được tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần ho gà. Chưa biết khi nào số trẻ này được tiêm vaccine dịch vụ, chỉ biết rằng, nhiều trẻ chưa được tiêm phòng đã bị mắc bệnh, rồi trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Trong khi đó, cơ quan chức năng khuyên người dân nên nghĩ đến việc bảo vệ con em mình trước dịch bệnh truyền nhiễm chứ không chỉ nghĩ đến vấn đề an toàn mũi tiêm; vì gánh nặng và sự nguy hiểm của bệnh tật đem lại rất lớn, lớn hơn nhiều so với rủi ro do mũi tiêm gây ra; rủi ro do tiêm chủng có tỷ lệ 1/1 triệu trường hợp và có thể kiểm soát được./.