Bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề
VOV.VN - PGS TS Trần Đắc Phu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định như vậy.
Theo PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu mùa dịch đến nay, cả nước mới xác định được hơn 50 ca mắc viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ mắc bệnh năm nay thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong cao.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh Trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh xảy ra ở hầu hết các nước như: Các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, vùng viễn đông Liên bang Nga, những nơi có nhiệt độ cao vào mùa hè và mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Chim di trú và tập quán chăn nuôi lợn theo hộ gia đình còn phổ biến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên, từ đó dẫn đến tình trạng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản ở người.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
Các dấu hiệu của bệnh
PGS TS Trần Đắc Phu khẳng định, triệu chứng của bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Về nguyên nhân các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác mà chúng ta chưa biết rõ, ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.
Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở Việt Nam.
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh Trung ương như: Sốt cao từ 38-390C, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Khi có dấu hiệu trên, chúng ta cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì: Tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).
Sự xuất hiện virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virus viêm não Nhật Bản trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗi để từ đó truyền bệnh cho người.
PGS TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo: Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh…/.