Bỏ ngay thói quen này khi về già để bảo vệ xương
VOV.VN - Canxi là thành phần quan trọng giúp xương chắc khỏe. Việc không bổ sung đủ canxi có thể làm xương yếu đi theo thời gian. Thiếu canxi có thể dẫn đến các tình trạng như loãng xương, khiến xương dễ gãy.
Các nghiên cứu cho thấy, hơn một nửa số người Mỹ không nhận được lượng canxi khuyến cáo trong chế độ ăn của họ. Các nguồn cung cấp canxi tốt nhất là các sản phẩm từ sữa và các bữa ăn chính, bữa phụ trong ngày đều nên cung cấp canxi.
Việc kết hợp các sản phẩm từ sữa như sữa chua, sữa và phô mai có thể giúp đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày. Đảm bảo rằng, bạn đang áp dụng chế độ ăn uống có sữa và các sản phẩm từ sữa khác, cá, cam, rau xanh, hạt và trái cây.
Tuy nhiên, những thói quen ăn uống, hoạt động hàng ngày có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt canxi, gây ra hệ quả nghiêm trọng khi về già như loãng xương, khiến xương dễ gãy.
Ăn quá mặn
Lượng natri cao có thể dẫn đến mất canxi từ xương, làm xương yếu đi. Vì vậy, nên chú ý đến lượng muối ăn vào bằng cách giảm thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó, bổ sung thực phẩm giàu kali vì kali giúp cơ thể bài tiết lượng natri dư thừa, có thể cải thiện sức khỏe của xương.
Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ cản trở quá trình hấp thụ canxi, ngăn cản việc hấp thụ các khoáng chất tốt mà bạn bổ sung cho cơ thể. Do đó, xương của trở nên yếu hơn.
Uống quá nhiều đồ uống có ga
Để hỗ trợ sức khỏe xương, bạn nên cân nhắc việc giảm lượng đồ uống có đường và có ga. Thay vào đó, lựa chọn đồ uống lành mạnh hơn như nước, trà thảo dược. Những lựa chọn này cung cấp nước và các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi và vitamin D, những chất rất quan trọng cho sức mạnh của xương và sức khỏe tổng thể.
Không bổ sung đủ calo
Việc không cung cấp đủ lượng calo cho cơ thể có thể dẫn đến xương yếu đi vì xương cần được cung cấp liên tục các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D và protein. Để bảo vệ sức khỏe của xương, điều quan trọng là xây dựng chế độ ăn uống cân bằng cung cấp đủ lượng calo để hỗ trợ xương và sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Lười tập thể dục
Hoạt động thể chất, đặc biệt đi bộ hoặc nâng tạ, rất quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mật độ xương. Điều này có thể làm giảm nguy cơ gãy xương và loãng xương.
Không hoạt động thể chất và vận động cơ thể đủ có thể gây hại cho xương. Hãy đặt mục tiêu dành ít nhất 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải hàng tuần như đi bộ nhanh, khiêu vũ hoặc đạp xe.
Ngồi quá nhiều
Lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương, làm giảm mật độ và sức mạnh của xương. Thời gian ngồi kéo dài như làm công việc văn phòng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến xương cùng với các vấn đề sức khỏe khác.
Các hoạt động đơn giản như đứng, duỗi người hoặc đi bộ vài phút mỗi giờ có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm tác động tiêu cực của việc ngồi lâu.