Các loại rau củ mà người bệnh tiểu đường phải tránh
VOV.VN - Nghiên cứu mới cho thấy bệnh nhân tiểu đường nên chú ý hơn đến việc ăn rau. Thế nhưng có 1 số loại thực phẩm như khoai tây, ngô, củ cải đường… sẽ tác động đến lượng đường trong máu do hàm lượng carbohydrate và chỉ số đường huyết cao.
Quản lý bệnh tiểu đường đòi hỏi phải xem xét cẩn thận chế độ ăn uống, đặc biệt là về carbohydrate và chỉ số GI của thực phẩm. Hầu hết bệnh nhân tiểu đường không nắm được bản thân mình nên ăn những gì để duy trì mức đường máu. Sau đây là danh sách những loại rau củ mà bệnh nhân tiểu đường cần tránh ăn quá nhiều.
Bệnh nhân tiểu đường tránh ăn quá nhiều khoai tây
Củ khoai tây thuộc loại thực phẩm có chỉ số đường huyết và hàm lượng tinh bột cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ khoai tây nhiều hơn sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 vì chúng được tiêu hóa nhanh chóng và chuyển hóa thành glucose.
Không chỉ vậy, một nghiên cứu cho biết khoai tây luộc hoặc nướng có chỉ số GI là 78-85, và chỉ số này được đặt ở mức cao với tác dụng giải phóng glucose rất nhanh. Điều này có thể rất khó khăn đối với bệnh nhân tiểu đường trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngô ngọt
Một loại thực phẩm giàu tinh bột khác là ngô ngọt, chứa hàm lượng carbohydrate vừa phải. Mặc dù ngô ngọt chứa nhiều chất xơ nhưng chỉ số đường huyết của nó dao động từ 52-60. Do đó việc ăn các loại thực phẩm có tinh bột như ngô sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn các loại rau không chứa tinh bột. Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát khẩu phần ăn phù hợp.
Củ cải đường
Về bản chất, củ cải đường khá giàu đường so với hầu hết các loại rau. Theo 1 nghiên cứu cho thấy củ cải đường có chứa chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, nhưng lượng đường tự nhiên quá mức có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Đậu Hà Lan
Mặc dù đậu Hà Lan rất giàu chất dinh dưỡng nhưng chúng lại chứa nhiều tinh bột và carbohydrate. Một chén đậu Hà Lan chứa khoảng 21gram carbohydrate. Điều này gây ra sự tăng vọt lượng đường trong máu.
Nghiên cứu cho thấy các loại rau có tinh bột như đậu Hà Lan làm tăng đường huyết sau ăn hơn so với các loại rau không chứa tinh bột.
Người tiểu đường có nên ăn bí ngô
Bí ngô được xếp hạng có chỉ số GI cao, khoảng 75. Nó được cho là có chứa đường và tinh bột tự nhiên làm tăng lượng đường trong máu ngay lập tức.
Nghiên cứu cũng đã cho thấy bí ngô có lượng calo thấp và giàu vitamin nhưng có thể dẫn đến tiêu hóa nhanh và tăng lượng đường trong máu đột ngột do điểm GI cao.
Cà rốt (nấu chín)
Cà rốt sống được cho là an toàn do có GI rất thấp nhưng cà rốt nấu chín có GI cao hơn có thể gây ra lượng đường trong máu cao.
Nghiên cứu cho thấy GI của cà rốt có thể tăng lên tới 85 sau khi chúng được nấu chín và do đó, chúng là mối lo ngại y tế về việc kiểm soát bệnh tiểu đường khi tiêu thụ với số lượng lớn.
Cân bằng chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường cần cân bằng chế độ ăn uống và chỉ nên ăn các loại rau củ chứa ít carbohydrate và GI thấp. Các loại rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như rau lá xanh, bông cải xanh, súp lơ và bí xanh là những lựa chọn thay thế rất tốt vì chúng giữ cho lượng đường trong máu ổn định.