Chữa thành công cho cụ bà người Mỹ gốc Việt bị hoại tử nặng vì tiểu đường
VOV.VN - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa cứu thành công “bàn chân tiểu đường” đang trong tình trạng hoại tử nặng của cụ bà người Mỹ gốc Việt.
Bà D.T.C (80 tuổi), sau một thời gian điều trị không hiệu quả chân trái bị hoại tử kéo dài nên đã quyết định về Việt Nam và đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ với hy vọng cứu vãn chân đang dần chuyển đen nghiêm trọng, mủ chảy hôi thối, nguy cơ không thể giữ được chân và nhiễm trùng huyết gây tử vong.
Theo gia đình bà C., bà bị tiểu đường, tăng huyết áp nhiều năm nay. Gần đây, bà bị đau và sưng 2 bên chân, được điều trị tại Mỹ. Hơn 10 ngày điều trị, bác sĩ thông báo cần cắt chân, nhưng không nói rõ sẽ cắt tới đâu. Gia đình cảm thấy không yên tâm nên quyết định đưa bà về Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị.
Trường hợp này, may mắn ekip can thiệp chỉ nong mạch máu tái thông mà không phải cần đặt stent. Sau đó, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đã phẫu thuật cắt lọc phần chi đã hoại tử cho bà C.. Chính nhờ sự kết hợp giữa các khoa nhanh chóng, ekip đã thành công giữ được khớp gối và một phần cẳng chân trái cho bệnh nhân.
Gần 2 tuần được điều trị bằng kháng sinh chống nhiễm trùng tích cực, dùng thuốc tăng khả năng lưu thông máu qua những vị trí tắc nghẽn, kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt, bà C. đã được xuất viện. theo dõi và điều trị tại nhà.
BS.CKII Ngô Minh Tuấn – Trưởng Đơn vị can thiệp mạch máu tạng - ngoại biên, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh lý động mạch ngoại biên thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như: hút thuốc lá nhiều năm, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, rối loạn mỡ máu… Trường hợp bệnh nhân C. là điển hình của biến chứng “bàn chân tiểu đường” sau khi bị tiểu đường nhiều năm, nhất là trong trường hợp đường huyết khó kiểm soát, lớn tuổi.
Trong việc điều trị không thể thiếu vai trò chăm sóc của các điều dưỡng, phải kiên trì lau rửa, vệ sinh chăm sóc hằng ngày cho những bàn chân đang hoại tử… nếu không có sự chăm chút, phối hợp, kiên trì, đa số các bàn chân tiểu đường thường phải đoạn chi. Do vậy, BS.CKII Ngô Minh Tuấn khuyến cáo, khi có những dấu hiệu hoại tử do biến chứng tiểu đường hoặc từ nguyên nhân khác, bệnh nhân cần đến bệnh viện và không tự ý đắp thuốc nam tại nhà. Việc chữa tại nhà không theo bác sĩ thường dẫn đến nhiễm trùng huyết lan rộng và có thể tử vong.