Các nhà khoa học lý giải nguyên nhân đằng sau chứng “ngón chân COVID”
VOV.VN - Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Da liễu Anh đã khám phá ra các cơ chế cơ bản liên quan đến các triệu chứng “ngón chân COVID" (COVID toes).
Trong số nhiều tác dụng phụ và triệu chứng của nhiễm virus SARS-CoV-2, “ngón chân COVID” là một trong những tác dụng khiến các chuyên gia khó hiểu nhất. Đó là hiện tượng ngón chân bị tấy đỏ sau đó chuyển dần sang màu tím, làm xuất hiện các vết phồng rộp.
Được biết, các triệu chứng thường phát triển trong vòng 1 – 4 tuần kể từ khi bị nhiễm bệnh và có thể dẫn đến các ngón tay và ngón chân bị sưng tấy hoặc thay đổi màu sắc và có khả năng kèm theo ngứa nhưng không đau đớn. Thỉnh thoảng cũng có biểu hiện của cơn đau đến mức bệnh nhân không thể đi giày. Mặc dù nó có vẻ đáng báo động đối với nhiều người, nhưng các triệu chứng có thể biến mất sau một vài ngày hoặc cũng có thể kéo dài hàng tháng.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Paris (Pháp), chứng “ngón chân COVID” về cơ bản có thể là tác dụng phụ của phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Da liễu Anh bao gồm 50 người tham gia mắc chứng “ngón chân COVID” và 13 người bị bệnh cước (chilblains) từ trước đại dịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy hai phần của hệ thống miễn dịch có thể là lý do tại sao các triệu chứng xuất hiện khi cơ thể chống lại virus: một phần là protein kháng virus được gọi là “interferon loại 1” và phần còn lại là kháng thể nhắm mục tiêu và phản ứng nhầm với các tế bào và mô của cơ thể bên cạnh việc chống lại virus.
Ngoài hệ thống miễn dịch, các tế bào nội mô lót các mạch máu cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chứng “ngón chân COVID”.
Dẫn lời Tiến sĩ Charles Cassius, tác giả chính của nghiên cứu: “Dịch tễ học và các đặc điểm lâm sàng của các tổn thương giống như bệnh cước đã được nghiên cứu và công bố rộng rãi, tuy nhiên, người ta biết rất ít về sinh lý bệnh liên quan. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những hiểu biết mới”./.