Cách nhận biết thừa cân
VOV.VN - Căn cứ vào cân nặng, chiều cao hiện tại của mỗi người, dựa vào các ngưỡng đánh giá là cách xác định khách quan xem một người có bị thừa cân, béo phì không.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở người trưởng thành, khi có chỉ số cân nặng và chiều cao thì việc tính BMI tương đối đơn giản.
BMI được tính bằng số cân nặng theo kg chia cho chiều cao theo mét bình phương (BMI=cân nặng (kg)/(chiều cao(m))2). Nếu BMI ≥25 là ngưỡng xác định thừa cân, nếu BMI ≥30 là ngưỡng xác định béo phì.
Chúng ta nên cân vào một thời điểm cố định, ví dụ, vào buổi sáng, khi mới thức dậy, chưa ăn uống gì. Việc này sẽ hạn chế các sai số do ăn uống, ảnh hưởng tới việc xác định chính xác cân nặng của chúng ta. Khi cân, chúng ta cần mặc quần áo mỏng, tránh mặc quần áo dày hoặc cầm vật gì đó theo người như chìa khóa, điện thoại, không đi giày, dép khi cân.
Việc đo chiều cao chính xác là khi cơ thể của chúng ta đứng để cột sống thẳng. Để làm được điều này, khi đo chiều cao, chúng ta cần chạm hai gót chân, bắp chân, mông, vai và sau gáy vào tường. Đảm bảo đủ 9 điểm chạm này cùng với mắt của nhìn thẳng ra phía trước thì sẽ đo được chiều cao chính xác nhất.
Thao tác đo chiều dài cho trẻ dưới 2 tuổi tương đối khó để làm tại hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu không đem trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra được thì việc theo dõi chiều dài của trẻ ở nhà một cách tương đối cũng giúp cha mẹ theo dõi sự tăng trưởng của con tại nhà như đặt trẻ nằm trên giường hoặc phản hoặc sàn nhà cứng, từ đó kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy trẻ không dài ra so với tháng trước trong 1-2 tháng liên tục.
Biểu hiện của thừa cân, béo phì
Hình dáng cơ thể: Biểu hiện dễ nhận biết nhất của thừa cân, béo phì là hình dáng bên ngoài, trẻ mập mạp hơn bình thường, tay chân nhiều mỡ. Đối với trẻ vị thành niên, hoặc chấm biểu đồ tăng trưởng thấy cân nặng tăng thẳng đứng trong 1-3 tháng liên tiếp. Người trưởng thành thì có thể có thêm dấu hiệu như vòng bụng hay vòng eo to, vòng đùi, vòng tay to. Hình dáng cơ thể có thể thay đổi như hình quả lê (béo phần thân dưới), quả táo (béo phần thân giữa).
Ở những người béo phì có thể có thêm các triệu chứng như khó ngủ, khó thở, đau lưng, đau khớp gối, xuất hiện các vết rạn da, hoặc da bị sưng đỏ, sẫm màu ở một số nơi như cổ, nách… Các nếp gấp da có thể bị nhiễm khuẩn, thích ứng với thay đổi nhiệt độ kém hơn, sưng và giãn tĩnh mạch ở các chi dưới, thường bị chảy mồ hôi quá mức, tâm lý bị ảnh hưởng do hình thể thay đổi.
Ngoài ra những người béo phì có thể gặp các triệu chứng rối loạn mỡ máu, rối loạn huyết áp, tăng huyết áp, hoặc các rối loạn tim mạch hay ung thư thì có thêm các triệu chứng của các bệnh này.
Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì chủ yếu do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào (chế độ ăn) và năng lượng tiêu hao (hoạt động thể chất). Tình trạng này cũng do một số nguyên nhân như tâm lý xã hội, biến thể di truyền, bệnh lý nội tiết, tác dụng phụ của thuốc. Phát hiện, khám và điều trị béo phì sớm giúp phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
Một số phương pháp giúp giảm cân
Giảm cân là phương pháp được ưu tiên hàng đầu hỗ trợ điều trị béo phì, tránh biến chứng bệnh. Người bệnh có thể giảm cân bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh như tập luyện thể dục theo khuyến cáo, với trẻ và người dưới 55 tuổi nên tập 60 phút/ngày.
Với các nhóm độ tuổi khác nên tập 30 phút/ngày hoặc theo khuyến cáo của nhân viên y tế chuyên khoa, cắt giảm tổng năng lượng ăn vào, kiểm soát số lượng thực phẩm giàu đường đơn giản như bánh kẹo, đồ uống ngọt, nước ép hoa quả, hạn chế bia rượu, thực phẩm có nhiều dầu mỡ.
Một số biện pháp giảm cân được khuyến khích khác như ăn theo chế độ ăn Địa Trung Hải (tăng ăn cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt), chế độ ăn theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng lưu ý, người bệnh không tự mua thuốc giảm cân khi không có chỉ định của bác sĩ, không thực hiện các liệu pháp hút mỡ, giảm cân có xâm lấn phẫu thuật tại những cơ sở không được Bộ Y tế cấp phép.
Điều trị béo phì nên có các phác đồ khoa học, đánh giá và nghiên cứu về độ an toàn, hiệu quả. Mỗi người nên phòng thừa cân, béo phì bằng lối sống lành mạnh, cân bằng năng lượng hấp thu và tiêu thụ hằng ngày.
Bạn cần ăn uống khoa học, giảm thức ăn có nhiều dầu mỡ và nhiều đường đơn giản, tránh uống bia, rượu. Bạn cũng cần duy trì tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, giảm cân, tinh thần khỏe mạnh hơn, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, stress cũng có thể phòng ngừa được thừa cân, béo phì.
Người bệnh có thể tới các cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ kinh nghiệm trong giảm cân để được hỗ trợ giải pháp phù hợp, an toàn cho sức khỏe, không mệt, tránh mất sức.