Cảnh giác trước nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập
VOV.VN - Nguy cơ cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào nước ta là rất lớn.
Nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn do tình hình dịch cúm tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, tiếp tục có những ca bệnh mới ở một số tỉnh của Trung Quốc gần với Việt Nam, cụ thể là tỉnh Quảng Đông. Đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn.
Nhân viên kiểm dịch y tế kiểm tra thông tin của du khách tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: KT |
Đây là nhận định của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia ngày 13/1, do Bộ Y tế tổ chức, với sự tham dự của các Bộ ngành liên quan. GS. TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.
Theo các chuyên gia y tế, virut cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Thời điểm hiện nay tại Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là mùa Đông - Xuân, thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virut cúm A/H7N9. Trong khi đó, việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa được kiểm soát tốt và có xu hướng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Không loại trừ có thể có những trường hợp người Việt Nam bị mắc cúm A/H7N9 khi đi du lịch, buôn bán tại Trung Quốc.
Tính đến ngày 13/1/2014, trên thế giới đã ghi nhận 168 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó Trung Quốc có 164 trường hợp mắc tại 12 tỉnh, thành phố và có 51 trường hợp tử vong.
Để đối phó với cúm A/H7N9, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai nhiều biện pháp ứng phó: Tăng cường kiểm soát buôn bán gia cầm, đặc biệt tại biên giới và các chợ đầu mối; Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A/H7N9 để phổ biến tới các cơ sở y tế; Sẵn sàng cơ sở vật chất và thuốc để điều trị cho các ca bệnh nếu có.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 ở người bằng các biện pháp: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương.
Khi có các biểu hiện cúm (như sốt, ho, đau ngực, khó thở), người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.