Chi phí chống béo phì lên tới 2.000 tỷ USD mỗi năm
VOV.VN -Chi phí điều trị các bệnh lý liên quan đến béo phì tương đương với chi phí cho bạo lực súng đạn, chiến tranh và khủng bố.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng” diễn ra tại Hà Nội sáng 23/4.
Sự kiện do Liên Hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh, và Kênh truyền hình O2TV phối hợp tổ chức.
Các đại biểu cho biết, chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân gây ra 4/10 bệnh có nguy cơ tử vong cao nhất thế giới, đó là: thừa cân và béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường, và Cholesterol cao.
GS. TS. Lệ Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể và duy trì sức khỏe của con người. Theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng, khẩu phần ăn phải cân đối các thành phần dinh dưỡng theo tỷ lệ sau: chất đường bột chiếm khoảng 68%, chất đạm 14% và chất béo 18%.
TS. Hợp nhấn mạnh, nếu thức ăn đồ uống không đảm bảo an toàn sẽ rất dễ trở thành nguồn gây bệnh. “Các cụ vẫn có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa cũng từ miệng mà ra,” TS. Hợp chia sẻ.
TS. Hợp bày tỏ lo ngại về tình trạng uống bia quá nhiều ở nam giới. Năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia – mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trung bình, mỗi nam giới uống 27,4 lít bia mỗi năm, cao hơn gấp 4 lần so với mức trung bình của thế giới. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây.
Theo TS. Hợp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh mạn tính không lây, trong đó chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống không lành mạnh là quan trọng hơn cả. Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, lối sống năng động sẽ giảm rủi ro bệnh tật và nguy cơ tử vong./.