Có nên đổ xô đi tầm soát đột quỵ não?
VOV.VN - Nhiều cơ sở y tế thiết kế và đưa ra gói dịch vụ tầm soát đột quỵ với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng, chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của chuyên gia y tế.
Mới đây, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại một cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội, anh Hoàng Dũng ở quận Long Biên, Hà Nội được nhân viên tiếp đón gợi ý sử dụng gói dịch vụ tầm soát đột quỵ. Trước đây, bố đẻ của anh Dũng từng bị tai biến mạch máu não, bản thân anh cũng bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Vì vậy, anh đã không ngần ngại bỏ ra hơn chục triệu đồng để thực hiện các xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm tim... để tầm soát. Với kết quả sức khỏe bình thường, không phát hiện nguy cơ đột quỵ anh Dũng cảm thấy yên tâm hơn.
Tầm soát đột quỵ cũng là mối quan tâm của anh Trần Hoàng ở Hà Nội trong những ngày này. Mới tuần trước, cậu ruột của anh bị đột quỵ do vỡ mạch máu não và nhanh chóng rơi vào hôn mê, tiên lượng xấu, khó có khả năng hồi phục. Trước biến cố bất ngờ của người thân, anh Hoàng vô cùng đau xót. Để không bị rơi vào tình cảnh như của cậu ruột, anh Hoàng có ý định sẽ cùng người thân đi tầm soát đột quỵ, chủ động phòng ngừa tai biến. Anh Hoàng cũng đã tìm hiểu về gói dịch vụ tầm soát đột quỵ ở một vài cơ sở y tế. Mặc dù chi phí khá cao song anh cho rằng thà tốn kém tiền bạc còn hơn để bệnh xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng và thường gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề như tử vong hoặc di chứng về thần kinh, vận động...Do đó, gần đây, việc tầm soát đột quỵ đang được nhiều người quan tâm để hạn chế nguy cơ xảy ra tai biến.
Trước nhu cầu tầm soát đột quỵ của người dân, nhiều cơ sở y tế đã thiết kế và đưa ra gói dịch vụ tầm soát đột quỵ với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Theo TS- BS Nguyễn Văn Tuyến – Phó Viện trưởng Viện Thần kinh – Chủ nhiệm khoa Đột quỵ não - Bệnh viện TWQĐ 108, tầm soát đột quỵ là sự quan tâm đến sức khỏe một cách tích cực. Tuy nhiên, mọi người không nên đổ xô đi tầm soát tràn lan và thực hiện các xét nghiệm không cần thiết, gây tốn kém tiền bạc. Việc tầm soát đột quỵ nên do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, dựa trên từng cá thể cũng như việc đánh giá nguy cơ của từng người bệnh.
“Bác sĩ sẽ khám và tùy theo từng đối tượng, phân loại nguy cơ mà chỉ định tầm soát ở mức độ như thế nào, phụ thuộc vào từng cá thể. Ví dụ có bệnh nhân chỉ cần tầm soát ở mức độ cơ bản nhưng có những bệnh nhân cần tầm soát chuyên sâu, chứ không phải tất cả mọi người đều cần thực hiện một gói tầm soát đột quỵ như nhau. Do đó, mọi người không nên đổ xô đi tầm soát đột quỵ mà nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh lạm dụng xét nghiệm” - BS Nguyễn Văn Tuyến nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến cũng hướng dẫn, khi có nhu cầu tầm soát đột quỵ, mọi người nên thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị và có trình độ chuyên sâu về đột quỵ.
“Đột quỵ là một chuyên ngành sâu và liên quan đến những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên biệt. Khi muốn tầm soát đột quỵ, chắc chắn là phải thực hiện tại các cơ sở có uy tín và có chuyên gia về đột quỵ. Tôi khuyến cáo người dân nên tìm hiểu và chắt lọc thông tin. Không nên vì nghe thông tin người nọ người kia đột quỵ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ, rồi nghe quảng cáo và đến cơ sở không đủ năng lực về trang thiết bị và trình độ nhân lực để tầm soát. Vì như vậy, thứ nhất là không đạt được hiệu quả, thứ hai là tốn kém tiền bạc.” – BS Nguyễn Văn Tuyến nói.
Với những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… ngoài việc tầm soát đột quỵ, người bệnh cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt bệnh lý nền, thực hiện lối sống lành mạnh để dự phòng, tránh xảy ra tai biến mạch máu não.
Gần đây, Khoa đột quỵ - Bệnh viện TWQĐ 108 thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân trẻ tuổi, có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, vào viện trong tình trạng hôn mê do bị vỡ mạch máu não. Phần lớn những trường hợp đó là bị phình mạch não bẩm sinh hoặc có bất thường mạch máu não. Khi mạch máu não bị vỡ và gây chảy máu thì tỉ lệ tử vong rất cao. Song hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng báo trước. “Hiện nay tại nước ta không đủ điều kiện để tầm soát đột quỵ trên diện rộng. Nếu người dân có khả năng về kinh tế thì cũng nên chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ 5 - 10 năm/ lần hoặc nếu có điều kiện hơn nữa thì 2 - 3 năm/ lần để khảo sát, phát hiện những bất thường ở mạch máu não. Tuy nhiên, việc tầm soát vẫn cần tuân theo chỉ định của chuyên gia y tế” – BS Nguyễn Văn Tuyến đưa ra lời khuyên.