Dấu hiệu không nên bỏ qua về viêm đường tiết niệu ở trẻ
VOV.VN - Viêm đường tiết niệu là bệnh phổ biến ở trẻ, chỉ đứng sau viêm đường hô hấp và tiêu hóa. Điều đáng lo ngại là viêm đường tiết niệu thường được phát hiện muộn và chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Bé Nguyễn Thùy An ở quận Hà Đông, Hà Nội mới gần 3 tháng tuổi nhưng đã phải nằm viện điều trị viêm đường tiết niệu gần 1 tháng nay. Nguyên nhân một phần do bệnh của bé phát hiện muộn nên kéo dài thời gian điều trị.
“Lúc bé 2 tháng tuổi thì bị sốt cao, tôi cho con đi khám ở phòng khám tư gần nhà xem con bị cảm hay bị viêm amidan, viêm phổi gì đó nhưng bác sĩ bảo bình thường, chỉ về theo dõi. Bé không đỡ mà sau đó sốt cao hơn 390C thì liền cho vào viện khám lại, làm xét nghiệm máu thì kết quả kinh khủng luôn, bị nhiễm trùng máu”, chị Nguyễn Minh Thúy, mẹ bé cho biết.
Thời gian đầu điều trị tích cực 11 ngày, thấy con đỡ, chị Thúy xin cho con về. Song chỉ 1 hôm sau, bé An đã sốt trở lại và phải nhập viện với chỉ số nhiễm trùng máu còn cao hơn lần đầu.
TS.BS Thái Thiên Nam, Phó Trưởng khoa Thận - Lọc máu, BV Nhi TW cho biết, bệnh viêm đường tiết niệu xảy ra phổ biến ở trẻ, đứng thứ 3 sau các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Trường hợp của bé An không phải cá biệt, phần lớn các bé bị bệnh viêm đường tiết niệu thường phát hiện muộn, ít nhất sau khi bệnh khởi phát thường 3 ngày. Lý do là khi bị sốt, cha mẹ thường cho đi khám ở phòng khám tư nhân. Ở đó các bác sĩ thường chẩn đoán là sốt virus hoặc sốt viêm họng.
“Trẻ bị viêm đường tiết niệu thường sốt, rét run. Rét run là biểu hiện của khá nhiều bệnh. Do đó, bệnh viêm đường tiết niệu khó chẩn đoán, các bác sĩ thường không có trong đầu bệnh cảnh này mặc dù nó đứng hàng thứ 3, chỉ sau nhiễm trùng đg hô hấp và tiêu hóa. Bác sĩ ở phòng khám thường chẩn đoán là sốt virus, viêm họng, hiếm khi đưa ra chẩn đoán viêm đường tiết niệu ở trẻ em. Theo kinh nghiệm của tôi, vào ngày thứ 3 của bệnh mặc dù chưa đến mức độ trầm trọng, tuy nhiên cứ để em bé sốt kéo dài thì sẽ gây ra nhiễm khuẩn nặng, gây ra chỉ số viêm cao nguy cơ nhiễm khuẩn huyết” – TS.BS Thái Thiên Nam nhận định.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ
Bệnh viêm đường tiết niệu xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên ở độ tuổi sơ sinh thì bệnh xảy ra ở trai nhiều hơn bé gái vì nó liên quan đến dị tật đường tiết niệu. Còn lớn hơn, do cấu tạo bộ phận sinh dục khác nhau nên bé gái lại bị bệnh này nhiều hơn bé trai.
Theo TS.BS Thái Thiên Nam, để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ phải khai thác tiền sử bệnh kỹ: tình trạng sốt, rét run, khóc khi đi tiểu, dấu hiệu bất thường ở bỉm… Đối với bé trai, các bác sĩ sẽ khám bao quy đầu, còn đối với bé thì khám tình trạng dính môi bé. Tiếp theo là làm xét nghiệm đường tiểu xem có bạch cầu hay không.
TS.BS Thái Thiên Nam hướng dẫn cha mẹ một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ như sốt, rét run, khóc khi đi tiểu, tiểu buốt, tiết rắt (số lần đi tiểu có thể vài chục lần/ngày), đối với trẻ sơ sinh, thấy bỉm có dây màu hồng hoặc một mảng màu vàng, đối với trẻ lớn hơn trẻ trai túm chim còn trẻ gái sẽ kêu đau bụng khi đi tiểu.
Phòng ngừa viêm đường tiết niệu cho trẻ
TS.BS Thái Thiên Nam cho biết, viêm đường tiết niệu được chia làm 2 nhóm: Thứ nhất là nhóm viêm đường tiết niệu tiên phát, tức trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu hoặc là vào đường tiết niệu. Từ đó gây ra nhiễm trùng đường tiểu. Đối với trường hợp này, cha mẹ dự phòng cho con bằng cách cho con uống nước đầy đủ, tránh táo bón, tập thói quen si tiểu cho con (lưu ý là bỏ bỉm ra mới si cho trẻ đi tiểu), không nên cho con mặc bỉm quá nhiều.
Thứ hai là nhóm viêm đường tiết niệu thứ phát, là trường hợp dị dạng ở đường tiết niệu tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn nhiều hơn. Đối với trường hợp này, cha mẹ lưu ý là phải cho con thăm khám lại sau 6 tháng điều trị để theo dõi những trường hợp để lại sẹo ở thận, nếu không về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận./.