“Điểm mặt” những bệnh khiến nam giới khó có con
Những bệnh gây khó có con ở nam điển hình nhất là 3 bệnh: không có tinh trùng, giãn tĩnh mạch thừng tinh và tắc nghẽn ống dẫn tinh.
Theo Hội Tiết niệu sinh sản và vô sinh TP.HCM, nguyên nhân gây hiếm muộn do nam giới chiếm 40-50%, trong đó có đến 90% là do giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Hiện nay, có nhiều bệnh nam khoa gây khó có con, người bệnh cần phát hiện, điều trị sớm, nếu không sẽ dễ dẫn tới vô sinh. Điển hình nhất là 3 bệnh: không có tinh trùng, giãn tĩnh mạch thừng tinh và tắc nghẽn ống dẫn tinh.
Không có tinh trùng
Nguyên nhân thường gặp nhất và có thể chiếm đến 50% các trường hợp không có tinh trùng là do rối loạn quá trình sinh tinh. Đây là một quá trình phức tạp xảy ra bên trong tinh hoàn. bất thường về yếu tố di truyền cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý không có tinh trùng.
(Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân thường gặp đứng hàng thứ hai là do bất thường đường dẫn tinh. Thường gặp nhất là do tắc ống dẫn tinh, nơi dẫn tinh trùng từ mào tinh đến niệu đạo sau trong quá trình xuất tinh. Tắc ống dẫn tinh có thể xảy ra sau viêm nhiễm hay trong một số trường hợp sau thắt ống dẫn tinh. Ngoài ra, một số dị tật bẩm sinh như không có ống dẫn tinh hai bên cũng gây ra bệnh trên.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân chỉ xuất hiện rải rác có thể là do rối loạn hoạt động đường dẫn tinh hay suy tuyến yên: xuất tinh ngược dòng (tinh dịch được đưa ngược vào bàng quang); giao hợp không xuất tinh, trường hợp này không có phản xạ xuất tinh nên tinh trùng không thể xuất ra ngoài được; suy tuyến yên làm giảm sản xuất Lh và FSh (Lh có tác dụng kích thích tinh hoàn sản xuất ra hormone testosteron, còn FSh có tác dụng kích thích tế bào mầm sản xuất tinh trùng). Nếu giảm Lh và FSh thì giảm tinh trùng.
Điều trị: Tùy theo nguyên nhân mà ta có phương pháp điều trị, quan trọng nhất là phải lấy được tinh trùng của người bệnh. Có những phương pháp sau: Trong các trường hợp không có tinh trùng do tắc nghẽn, tinh trùng có thể được lấy từ mào tinh bằng vi phẫu thuật hay đâm kim xuyên qua da, một số ít trường hợp tinh trùng có thể được lấy từ tinh hoàn.
Trong trường hợp xuất tinh ngược dòng, tinh trùng có thể được lấy từ nước tiểu trong bàng quang, sau đó bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm hay tiêm tinh trùng vào bào tương trứng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Bệnh giãn tĩnh mạch tinh hoàn tiến triển khi thành tĩnh mạch mỏng, không chịu được áp lực máu. bệnh thường gặp ở những người mặc quần chật, phải ngồi lâu hoặc lao động nặng, cũng có thể do các bệnh lý ở van tĩnh mạch hoặc các nguyên nhân chèn ép. bệnh này phần lớn không có triệu chứng rõ rệt. Ở người trẻ, bệnh nhân đến khám chủ yếu vì đau tức, khó chịu ở vùng bìu với đặc điểm giảm khi nằm nghỉ, tăng khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc vận động nhiều. Một số trường hợp đến khám vì thấy bìu to hoặc thậm chí nhìn thấy các mạch máu ở bìu giãn to hằn lên dưới da. Ở người lớn, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được phát hiện khi bệnh nhân khám vô sinh.
Điều trị: Các thống kê cho thấy bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh nếu điều trị bằng thuốc sẽ không hiệu quả. Vì vậy, người ta thường dùng phương pháp vi phẫu thuật. Đây là cách điều trị hiệu quả nhất, giúp thắt tận gốc các tĩnh mạch giãn, chỉ thực hiện trong thời gian khoảng 30-45 phút, hầu như không có biến chứng, thời gian nằm viện 3-5 ngày.
Tắc nghẽn ống dẫn tinh
Tắc đường dẫn tinh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải sau quá trình viêm nhiễm đường sinh dục (bệnh xã hội, bệnh lao) hoặc sau cột thắt ống dẫn tinh gây chít tắc đường dẫn tinh.
Ví dụ người bệnh bị bất sản ống dẫn tinh hai bên do đột biến gien nên một số nam giới sinh ra đã không có ống dẫn tinh. Vì vậy, sau khi tinh trùng được sản xuất từ tinh hoàn nhưng không có đường vận chuyển ra ngoài, sẽ dẫn đến tình trạng tinh trùng không thể gặp trứng được và gây vô sinh. bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến khi bệnh nhân có làm xét nghiệm tinh dịch đồ, phát hiện không có tinh trùng, nhưng khi kiểm tra bên trong tinh hoàn lại có tinh trùng.
Điều trị: Người ta thường phẫu thuật “nối ống dẫn tinh với ống dẫn tinh” bằng cách cắt bỏ chỗ tắc và nối lại hai đầu của ống dẫn tinh; phẫu thuật nối ống dẫn tinh vào mào tinh hoàn. Một ca phẫu thuật thường kéo dài khoảng 2-3 giờ, giảm đau bằng gây mê hoặc tê tủy sống, xuất viện sau 7 ngày. Thường sau khi phẫu thuật, khoảng 70-95% tinh trùng có thể lưu thông trong tinh dịch, nhưng tỷ lệ có thai chỉ khoảng 52-53%.
Phải mất khoảng một năm sau phẫu thuật, người bệnh mới biết được ca phẫu thuật của mình đạt hiệu quả hay không, tinh trùng có lưu thông được hay không (tinh trùng có ra ngoài khi phóng tinh hay không, thể hiện bằng việc có tinh trùng trong tinh dịch). Với phẫu thuật này, người bệnh thường tốn kém tiền thuốc và mất nhiều thời gian theo dõi.
Do vậy ngày nay, người ta còn điều trị vô sinh không có tinh trùng do tắc bằng kỹ thuật hút tinh trùng từ mào tinh và tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (thụ tinh trong ống nghiệm). Kỹ thuật này có thể điều trị cho hầu như tất cả các trường hợp không có tinh trùng do tắc. Tỷ lệ thành công của một chu kỳ điều trị có thể thấy dao động từ 30-60%.
Lời khuyên của bác sĩ:
Nếu thấy bộ phận sinh dục có vấn đề gì bất thường hay thời gian chung sống từ 1 năm trở lên không có con, nam giới cần đến bác sĩ kiểm tra để phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh. Nếu để càng lâu, bệnh sẽ ngày càng nặng và khó điều trị hơn./.