Khàn tiếng - một biểu hiện để phát hiện sớm bệnh Parkinson
VOV.VN - Khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói là một biểu hiện sớm của bệnh Parkinson và nếu phát hiện sớm và can thiệp ở giai đoạn này sẽ làm chậm tình trạng diễn biến toàn thân của bệnh.
Bệnh Parkinson thể hiện ở thanh quản như thế nào?
Bệnh Parkinson là hiện tượng thoái hoá thần kinh, khi toàn phát, bệnh biện hiện bằng hiện tượng run, cứng cơ, chậm vận động và mất cân bằng tư thế do các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não bị tổn thương.
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp điều chỉnh chuyển động và các chức năng cơ thể khác. Khi mức dopamine giảm, các triệu chứng của bệnh Parkinson xuất hiện, bao gồm run tay, cứng cơ, và mất cân bằng.
Tuy nhiên, trước khi thể hiện rõ ràng, người bệnh có thêm các triệu chứng “không vận động”, đôi khi nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng vận động đặc trưng, đó là các biểu hiện như: táo bón, rối loạn giấc ngủ, rối loạn giọng và rối loạn chức năng nuốt.
Vì thanh quản là một trong những cơ quan có chức năng nói và nuốt, liên quan chủ yếu đến cơ thanh âm, cơ giáp phễu, cơ liên phễu, nhẫn phễu, do đó khi bị bệnh Parkinson các cơ này sẽ chuyển động trở nên chậm hơn và sẽ thể hiện thành sự thay đổi trong tiếng nói (giọng cảm giác nghẹn, giật cục, yếu hơi, kèm theo đó là hiện tượng nuốt vướng). Bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến nhận thức và cảm nhận vì thế một số người mắc bệnh Parkinson khó nhận ra những thay đổi về lời nói, giọng nói và nuốt.
Vậy làm sao để phát hiện sớm bệnh Parkinson thanh quản?
Các bạn cần lưu ý một số đặc điểm sau:
Độ tuổi của nhóm đối tượng từ, trên 60 tuổi (rất hiếm xảy ra trước 40 tuổi). Người bệnh có những thay đổi về nuốt và nói dù là rất nhỏ: các âm, các từ phát chậm, có vẻ nghẹn trong họng như khóc… Cảm nhận về tư duy khi nói có vẻ chậm hơn của bản thân trước đây.
Bạn cần phải làm gì khi thấy có các biểu hiện trên?
Trước hết cần tới khám bác sĩ chuyên về giọng (trong số các bác sĩ Tai Mũi Họng) để được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời. Điều này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp giảm và kiểm soát các vấn đề về giọng nói và nuốt, tránh diễn biến nặng nề hơn.
Khi khám, bác sĩ sẽ thấy các biểu hiện như: tiền đình thanh quản vận động chậm, động tác đóng mở dây thanh chậm, dây thanh căng, có thể to nhỏ không đều hai bên dây thanh (khác với liệt hồi quy và nhược cơ, dây thanh một bên nhỏ hơn và chùng khi phát âm).
Bác sĩ cũng có thể cho làm một số thăm dò cận lâm sàng: đánh giá khách quan: rối loạn chỉ số Shimmer và Jitter, đo thấy kéo dài thời gian của phản xạ nuốt ít nhất 1 giây…
Những thay đổi về giọng nói và lời nói thường là những dấu hiệu sớm nhất của bệnh Parkinson, nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh bệnh Parkinson đều gặp phải những vấn đề giọng giống nhau. Những khó khăn phổ biến bao gồm nói nhỏ, sử dụng giọng đều đều, run rẩy, nghẹn như cảm động.
Rối loạn về giọng thường đi kèm với một số thay đổi về chức năng nuốt nhẹ đến nặng dần, ví dụ: mất nhiều thời gian hơn để ăn hết một bữa ăn hoặc gặp khó khăn khi nuốt thuốc, tăng ứ đọng nước bọt. Cần can thiệp sớm để tránh bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi nuốt (như gây sụt cân, nghẹn hoặc viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc đồ uống).
Khi phát hiện đúng bệnh, bác sĩ sẽ cho điều trị bằng sử dụng thuốc và điều trị rối loạn giọng và nuốt bằng các phương pháp trị liệu. Căn cứ vào đánh giá của bác sĩ khi thăm khám cho từng bệnh nhân cụ thể mà xây dựng các bài tập riêng cho từng người bệnh theo mục tiêu cụ thể.
Trong quá trình trị liệu về giọng nói, bác sĩ sẽ cung cấp các bài tập để người bệnh nói rõ ràng hơn, tăng cường cơ bắp và các hình thức giao tiếp cho người bệnh và những người chăm sóc. Đôi khi, có thể dùng các thiết bị hỗ trợ trị liệu thanh quản như nhỏ thuốc thanh quản, mát xa thanh quản, điện xung thanh quản…
Trong đó, liệu pháp tập nuốt tập trung vào việc tăng cường các cơ được sử dụng để thở, nói và nuốt — thường sử dụng bài tập tăng cường sức mạnh cơ thở ra (EMST). Bác sĩ có thể đề xuất thay đổi chế độ ăn uống và các kỹ thuật ăn uống để giúp nuốt an toàn. Các nghiên cứu cho thấy giọng nói và nuốt cải thiện nhanh hơn khi liệu pháp được kết hợp với việc thực hành hàng ngày.
Thông thường bác sĩ sẽ đánh giá lại và điều chỉnh liệu pháp sau mỗi 6 tháng để duy trì theo mức độ bệnh.
Tài liệu tham khảo
1. Reduction of Parkinson's-related dysphonia by thyroplasty.
Roubeau B, Bruel M, de Crouy Chanel O, Périé S.Eur Ann Otorhinolaryngol Head Neck Dis. 2016 Dec;133(6):437-439. doi: 10.1016/j.anorl.2016.07.005. Epub 2016 Aug 10.PMID: 27522148
2. Comparative analysis of speech impairment and upper limb motor dysfunction in Parkinson's disease.
Rusz J, Tykalová T, Krupička R, Zárubová K, Novotný M, Jech R, Szabó Z, Růžička E.J Neural Transm (Vienna). 2017 Apr;124(4):463-470. doi: 10.1007/s00702-016-1662-y. Epub 2016 Dec 8.PMID: 27933492
Arytenoid cartilage movements are hypokinetic in Parkinson's disease: A quantitative dynamic computerised tomographic study.