Không nên dùng thảo dược để chữa bệnh thận
VOV.VN -Trong thảo mộc có rất nhiều Kali và khi vượt qua ngưỡng cho phép thì bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào.
Hôm nay là Ngày Thận thế giới (ngày thứ 5 tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm) với chủ đề “Thận khỏe cho mỗi người”. Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Lễ mít tinh nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh thận, trong đó khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh suy thận cần tuân thủ điều trị và không nên dùng thuốc thảo dược để chữa bệnh này.
Thận giữ vai trò quan trọng cho cơ thể sống. Tuy nhiên ngày càng nhiều người bị suy thận và độ tuổi mắc bệnh ngày càng già hóa. Tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới hiện nay là 10% dân số và ở nước ta khoảng 6,73%. Nguyên nhân suy thận chủ yếu là do các bệnh lý ở thận và do các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, gút, đái tháo đường. Tại khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) trước đây, hầu hết bệnh nhân suy thận là do viêm cầu thận mãn và chỉ khoảng 6% bệnh nhân suy thận do mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Còn hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân suy thận do tăng huyết áp và đái tháo đường tăng lên 20%. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này khoảng 50%.
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết diễn tiến của bệnh viêm thận mãn rất âm thầm nên được ví là kẻ giết người thầm lặng: “Theo thống kê của Hội Thận học thế giới, trên thế giới ước tính khoảng 500 triệu người dân có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Tiến triển của bệnh thận mãn tính sẽ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Khoảng 3 triệu người trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế này. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Tuy nhiên, thận là một bệnh có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có một cuộc sống bình thường nếu bệnh nhân được điều trị, kiểm soát tốt”.
Để phòng bệnh suy thận, người dân cần hoạt động thể lực đều đặn, có chế độ ăn, uống hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo đường huyết và huyết áp thường xuyên, đặc biệt không được hút thuốc lá.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp suy thận nhẹ, chưa có chỉ định chạy thận nhân tạo, nhưng do không tuân thủ điều trị và chế độ dinh dưỡng không hợp lý nên nhiều hợp phải cấp cứu, biến chứng suy thận nặng, nhất là sau khi tự điều trị bằng thuốc thảo dược.
“Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân không tuân thủ quy định điều trị của thầy thuốc tây y, một số bệnh nhân chuyển sang uống thuốc bắc, thuốc nam nên phải cấp cứu. Mỗi quả thận có hơn 10 triệu nê-phờ- rông, theo tuổi các nê-phờ- rông này hỏng dần đi cho nên về già chức năng thận sẽ kém đi. Khi uống thuốc bắc, thuốc nam đa số thảo mộc sẽ làm hủy hoại nốt cầu thận còn lại và đặc biệt trong thảo mộc có rất nhiều Kali và khi vượt qua ngưỡng cho phép thì bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào” – bác sĩ Dũng nói.
Suy thận đươc chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4 nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể kéo dài thời gian đến giai đoạn chạy thận. Nếu bệnh tiến triển đến độ 5 thì phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo./.