Người dân vẫn lơ mơ về Glôcôm – nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 thế giới
VOV.VN - Bệnh Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 sau bệnh đục thể tinh thủy. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa.
Glôcôm thường được gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị thực, có thể gây mù vĩnh viễn. Tuy nhiên, hiện nay, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó để phòng ngừa bệnh.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm diễn ra tại Bệnh viện Mắt Trung ương ( ngày 13/3), các chuyên gia nhãn khoa cho biết, có tới 6,5% dân số ở Việt Nam bị mù do bệnh Glôcôm, nhưng có đến 94% người dân không hiểu rõ hoặc còn lơ mơ về bệnh này (Theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2011 tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình).
Đa số những người mắc bệnh đang sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt.
Bệnh nhân Trần Thị Hậu (61 tuổi) đang điều trị Glôcôm tại bệnh viện Mắt Trung ương |
Bên cạnh đó, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo một vấn đề báo động là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm cho tra corticoid khéo dài. Hiện nay, trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc, điều này cũng có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm nếu dùng trong thời gian dài.
TS. BS Đỗ Tấn, Trưởng khoa tại khoa Glôcôm - Bệnh viện Mắt Trung ương |
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm khi nhập viện đã ở tình trạng muộn, thị lực rất thấp, có nguy cơ mù lòa cao. BS Tấn khuyến cáo: “Những bệnh nhân có nguy cơ cao như những người lớn tuổi, những người có người thân đã phát hiện bệnh Glôcôm là phải chủ động đi khám sàng lọc, phát hiện sớm. Đồng thời, tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị để có hiệu quả điều trị cao”./.
Tư vấn trực tuyến: Glôcôm và những nguy hiểm có thể bạn chưa biết
BV Mắt Trung ương khám, tư vấn miễn phí nhân tuần lễ Glôcôm thế giới