Làm gì để kéo dài tuổi thanh xuân?
VOV.VN - Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh nên chú trọng việc dinh dưỡng và tập luyện: ăn đủ chất bột, đường, đạm, uống nhiều nước
Bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải đối diện với biết bao phiền toái bởi suy giảm nội tiết tố, nếu không biết cách can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới mãn kinh sớm, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống.
Những rối loạn thường gặp
Theo các chuyên gia y tế, tiền mãn kinh (TMK) là giai đoạn trước mãn kinh ở phụ nữ, khi nội tiết tố nữ hay còn gọi là estrogen bị suy giảm nhiều gây ra những triệu chứng đầu tiên của rối loạn quanh mãn kinh. Giai đoạn này thường xuất hiện sau tuổi 40 và kết thúc của chu kỳ kinh cuối cùng.
Các triệu chứng báo hiệu thời kỳ TMK xuất hiện ở mỗi người khác nhau, có người trải qua rất nhẹ nhàng nhưng một số trường hợp gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có người mãn kinh sớm (trước 40 tuổi) do lượng nội tiết tố bị ngừng đột ngột, khiến cho phụ nữ có biểu hiện già sớm. Hoặc cũng có trường hợp mãn kinh muộn (sau 55 tuổi hoặc gần 60 tuổi) thì đó là biểu hiện của bệnh lý phụ khoa hoặc có những bệnh ung thư gây hành kinh kéo dài...
Chị Nguyễn Tuyết Lan, ở Thanh Xuân, Hà Nội 45 tuổi, bước vào thời kỳ TMK gặp những triệu chứng mệt mỏi như gặp những cơn đau đầu thoáng qua, có biểu hiện sợ gần gũi chồng. Đặc biệt, đang ngủ chị Lan thấy nóng vã mồ hôi mặc dù trời về đêm rất mát mẻ.
Thời gian gần đây, thấy da dẻ kém sắc và kinh nguyệt không đều, chị đi khám ở BV Phụ sản T.Ư, bác sĩ kết luận bị rối loạn nội tiết tố. “Sau khi được bổ sung thuốc nội tiết và mỗi tối dành 45 phút đi bộ, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt”, chị Lan chia sẻ.
Còn chị Lưu Thị Thanh, 48 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội lại có biểu hiện hay quên, hay bốc hỏa và cáu gắt vô cớ. Nhiều lần đi làm chị quên khóa cửa, hàng xóm nhìn thấy phải khóa hộ. “Thấy người mệt, chồng tôi bảo đi cắt ít thuốc bắc về uống. Đáng lẽ cho thuốc vào ấm để sắc thì tôi lại đổ vào nồi canh dưa”, chị Thanh tâm sự.
Theo Ths.Bs Nguyễn Tuyến Mai, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nguyên nhân chính dẫn đến các rối loạn về TMK và mãn kinh là thiếu hụt estrogen. Sự thiếu hụt này gây nên các hậu quả hay các triệu chứng của hội chứng TMK thường gặp như: rối loạn kinh nguyệt lúc ngắn lúc dài, lúc ít lúc nhiều, sau đó kinh nguyệt sẽ thưa dần và mất hẳn. Ngoài ra, có những dấu hiệu về thần kinh vận mạch như: hiện tượng bốc hỏa, mất ngủ về đêm, mệt mỏi khó chịu, hay trạng thái lo âu kéo dài hoặc có những người phụ nữ dễ bị trầm cảm.
Suy giảm estrogen còn gây ra hiện tượng lão hóa, khô da, khô niêm mạc, teo các niêm mạc về bộ phận sinh dục gây giảm sinh lý nữ, dễ bị đau rát khi quan hệ tình dục, gây viêm nhiễm đường sinh dục và tiết niệu. Ngoài ra, thiếu hụt estrogen còn gây ra hiện tượng loãng xương và xương biến dạng, xương dễ gãy và gây rối loạn chuyển hóa cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch và alzeimer.
Cần phát hiện và điều trị kịp thời
Hội chứng TMK là một phần trong đời sống sinh lý bình thường của người phụ nữ. Thời kỳ TKM và mãn kinh biểu hiện tùy theo từng cá thể, mức độ và thời gian khác nhau (thường kéo dài khoảng 6 tháng hoặc 1 - 2 năm…). Hiện nay, việc bổ sung nội tiết tố cho tuổi TMK được quan tâm hàng đầu, tuy nhiên chị em muốn dùng thuốc đó phải được tư vấn của bác sĩ.
“Những trường hợp ra máu âm đạo không rõ nguyên nhân, những người có bệnh về vú như các khối u lành tính hoặc người có tiền sử ung thư vú, bệnh ung thư vú mới phát hiện, hoặc những người có tiền sử và đang điều trị viêm tắc tĩnh mạch, bệnh về gan thận, mỡ máu thì tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc nội tiết, vì mỗi loại thuốc có một tác dụng và phù hợp với cơ thể khác nhau. Việc dùng thuốc nội tiết tố phải có sự theo dõi giống như điều trị hóc môn thay thế chứ không phải thấy người ta uống thì mình cũng uống cho vui”, BS Tuyết Mai lưu ý.
Phụ nữ tuổi TMK và mãn kinh nên chú trọng việc dinh dưỡng và tập luyện: ăn đủ chất bột, đường, đạm, uống nhiều nước, tăng cường ăn hoa quả, đi bộ hoặc tập yoga, tham gia các hoạt động cộng đồng và thể thao văn hóa...
BS Tuyết Mai cho biết, nhờ tiến bộ của khoa học, chị em hoàn toàn có thể làm chậm quá trình mãn dục nữ, đẩy lùi thời kỳ TMK bằng cách bổ sung ngay lượng estrogen ngay từ khi có dấu hiệu bị thiếu hụt và nên duy trì việc bổ sung này liên tục, bởi từ sau tuổi 30 lượng estrogen nội sinh sẽ giảm dần. Chị em cần có một chút kiến thức về TMK và MK để khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời. Còn về vấn đề “khô hạn” tuổi TMK và mãn kinh, chị em có thể khắc phục bằng bổ sung nội tiết tố. Ngoài ra, chị em nên khám sức khỏe định kỳ, nếu có dấu hiệu TMK sớm, nên đi khám nội khoa và làm xét nghiệm nội tiết tố để điều trị chứng kịp thời./.