Tác dụng đối với sức khoẻ của cây bách bộ
VOV.VN - Cây bách bộ có tên khoa học là Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae. Cây dạng dây leo có thân nhỏ, nhẵn, quấn, có thể dài 10cm.
Đặc điểm của cây bách bộ
Cây bách bộ có tên khoa học là Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae. Cây dạng dây leo có thân nhỏ, thường mọc dại khắp nơi, đặc biệt là những vùng đồi núi.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây bắc bộ là phần rễ củ nhiều năm, củ càng lâu năm càng to, càng dài thì càng tốt. Rễ được thu hoặc vào đầu mùa đông hoặc đầu mùa xuân hằng năm, khi chồi cây chưa phát triển, trước khi thu hoạch, cần phải cắt bỏ dây thân, nhổ bỏ cây non, đào toàn bộ củ lên, đem rửa sạch phơi khô.
Cây bách bộ có tác dụng gì?
Diệt ký sinh trùng: Dịch cồn hoặc nước ngâm kiệt của rễ cây bách bộ có tác dụng diệt ký sinh trùng như là chấy rận, bọ chét, ấu trùng ruồi, muỗi, rệp...
Dùng cho bệnh nhiễm khuẩn: Theo dõi trên 100 bệnh nhân sử dụng nước sắc bách bộ cho thấy, có đến 85% có hiệu quả giảm ho. Stemonin trong rễ cây bách bộ có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp của động vật, gây ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng trị ho. Bên cạnh đó bách bộ đã được thí nghiệm chữa lao hạch có kết quả tốt.
Trị giun và diệt côn trùng: Ngâm giun trong dung dịch 0,15% Stemonin, nhận thấy giun sẽ tê liệt sau 15 phút. Nếu kịp thời lấy giun ra khỏi dung dịch, thì giun sẽ hồi phục lại. Tiêm dung dịch Stemonin sulfat (3mg) vào ếch nặng 25g, có thể khiến cho cho ếch bị tê bại, sau 12 giờ thì bình phục. Pha rượu thuốc bách bộ với tỷ lệ 1/10 thuốc với rượu 70 độ, sau đó phun rận, rận sẽ chết sau một phút.
Tác dụng kháng khuẩn: Rễ cây bách bộ có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột già và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ và thương hàn.
Theo y học cổ truyền, bách bộ có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Vị thuốc này được sử dụng trong điều trị ho do hư lao. Thường dùng trong điều trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, ho gà, giun đũa, giun kim...