Tác hại kinh hoàng đồ ăn vặt ngoài cổng trường
VOV.VN - Thực phẩm “bẩn” bủa vây trường học, top những món ăn độc hại nhất ngoài cổng trường, tác hại kinh hoàng đồ ăn cổng trường… hàng loạt những cảnh báo gắt gao, nhưng xem ra tình trạng này vẫn không thuyên giảm trong suốt nhiều năm qua.
Giờ tan học tại các cổng trường, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tụ tập thành từng nhóm mua quà vặt. Những thứ chúng thường mua khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Chẳng hạn như cái gọi là que cay, nem tôm thịt hổ, thạch dừa… thì đều không có nhãn mác, hoặc có thì toàn là chữ Trung Quốc.
“Con ăn một cái gói nhỏ nhỏ cũng không biết là gì nhưng xé ra, cho vào mồm ăn thấy dai, ngọt, cay, mặn… Hầu như toàn bộ học sinh trong trường con ai cũng ăn”, một học sinh lớp 6 nói.
Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.
Không chỉ có những loại đồ ăn đóng sẵn mà cổng trường học còn bị bủa vây bởi những chiếc xe hàng rong mà học sinh quen gọi là hàng “xiên bẩn”. Có lẽ chỉ có người bán biết thực chất những que chiên giá 2 nghìn đồng này là cái gì và tại sao bị gọi là “xiên bẩn”. Còn bọn trẻ, sẽ chẳng thể cưỡng lại được những chiếc xiên nóng giòn, thơm ngậy, rất kích thích cái bụng đói meo sau 5 tiết học.
Học sinh ít nhiều đã được các giáo viên dạy về an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ vấn đề mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm trôi nổi ngoài cổng trường. Thế nhưng, thực tế vẫn có muôn vàn tình huống để khó có thể “nói không” với đồ ăn vặt cổng trường.
“Em cũng sợ là thức ăn ngoài cổng trường không rõ nguồn gốc, gây ra những hậu quả như đau bụng, ngộ độc. Em cũng hạn chế đến mức có thể, nhưng mà con ăn vạ nên thôi để cho con ăn còn về”, một phụ huynh bày tỏ sự bất lực.
Theo số liệu từ Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, có tới 70%- 80% thức ăn đường phố trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli- loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng thông tin, chỉ trong hai ngày 21, 22/9, tổng cộng 30 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi uống một loại nước ngọt.
Các em này trước đó ra cổng trường mua nước ngọt đóng trong chai dung tích 245ml, không rõ nguồn gốc, nhãn ghi chữ nước ngoài. Sau 20 phút, đồng loạt các em có biểu hiện như trên. Một trong số 8 bệnh nhi được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc điều trị, số còn lại sức khỏe ổn định.
TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam cho biết: đa phần những đồ ăn vặt ở cổng trường là sản xuất thủ công và không rõ nguồn gốc xuất xứ, chính vì vậy, nguy cơ ngộ độc là rất cao.
“Thậm chí có nhiều loại ma túy trà trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo cho trẻ em và giới trẻ nên nhiều học sinh vô tình ăn phải”, TS Nguyễn Mạnh Dũng nêu thực tế nhức nhối hiện nay.
Vì thế, để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, theo TS Dũng, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong những giờ nghỉ.
Ngoài ra, quan trọng hơn là việc giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát các sản phầm bày bán bằng các test nhanh, kiểm tra xuất xứ, giấy chứng nhận của các sản phẩm này.
Hiện nay, các món quà vặt ngoài cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Việc sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp có thể khiến trẻ mắc các bệnh mãn tính về gan, thận, thần kinh và gây ung thư. Rõ ràng, quà vặt không phải là chuyện vặt.