Ung thư dạ dày: Khó phát hiện, tử vong cao
VOV.VN - Mỗi năm, Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này.
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 2 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp tại nước ta.
Ung thư dạ dày: khó phát hiện, tử vong cao
Triệu chứng lâm sàng của viêm dạ dày thông thường và ung thư dạ dày rất khó phân biệt, đều là đau rát vùng thương vị, đầy bụng, khó tiêu, chỉ chẩn đoán phân biệt khi nội soi dạ dày để quan sát tổn thương và lấy mẫu tế bào sinh thiết, làm các xét nghiệm khác.
Đại đa số bệnh nhân ung thư dạ dày khi đau quá không chịu được, gầy sút nhanh mới đến viện khám thì đã ở giai đoạn nguy hiểm, nên tiên lượng rất xấu, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm.
Ung thư dạ dày có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và cơ hội hồi phục thấp, gây tỷ lệ tử vong rất cao. Thời gian sống của người mắc bệnh trung bình thường dưới 1 năm bất kể khối u ban đầu nằm ở vị trí nào. Hiện tại, chưa có phương pháp nào để kéo dài khoảng thời gian này.
Vì vậy, cách tốt nhất là kiểm soát triệt để các nguyên nhân gây bệnh để hạn chế tiến triển thành ung thư dạ dày
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
- Viêm dạ dày mạn tính: có nguy cơ ung thư dạ dày rất cao. Những người đã từng cắt bỏ một phần dạ dày do viêm dạ dày mạn cũng có khả năng mắc ung thư dạ dày sau nhiều năm phẫu thuật. Trong các bệnh về dạ dày thì đáng sợ nhất là viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc có thể viêm loét hang vị rất dễ biến chứng thành ung thư hóa.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): gây viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn này cũng phát triển thành ung thư dạ dày.
- Tiền sử gia đình: cha mẹ, anh, chị em, hoặc con cái của một người có tiền sử ung thư dạ dày cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Ăn nhiều đồ nướng, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, thiếu hoạt động thể chất, hoặc béo phì.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh viêm loét dạ dày chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống nên ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu để phòng tránh nhiễm khuẩn.
Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày tá tràng thì bát, đũa, cốc, chén… không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước sôi sau khi đã rửa sạch. Cần xóa bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào để tránh lây bệnh.
Không tự mua thuốc aspirin, corticoid, thuốc NSAID (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị.
Ăn uống khoa học, điều độ, không hút thuốc, lạm dụng rượu bia, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh./.