Uống nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì có hại cho sức khỏe hay không?
VOV.VN - Nếu ngộ độc chì có thể tử vong, nhất là trẻ con, do hôn mê và co giật do tổn thương thần kinh trung ương.
Theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chì là một kim loại hoàn toàn độc với nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em. Các nhà khoa học đã chứng minh, nồng độ chì máu càng tăng thì trí tuệ của trẻ càng giảm.
Do chì ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, ở các nước phát triển việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, hàn vá tàu thuyền, hàn vá các loại ống đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhiều nước (trong đó có nước ta) đã ngừng sử dụng chì làm phụ gia trong xăng dầu.
Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, trong xương (khi đã vào xương khó thải loại, muốn thải loại phải mất 30 - 40 năm), gây tổn thương cho hệ thần kinh và não, chì tập trung ở chất xám của não và tủy sống. Đặc biệt là trẻ em mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 - 4 lần người lớn. Chì kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể.
Chì gây thiếu máu: ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ; giảm lượng hồng cầu. Trên thận: chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout.
Trên xương, chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì. Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm tình dục, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, đẻ non. Trẻ sinh ra bị dị tật như: hở hàm ếch, u máu, u limpho, thần kinh chậm phát triển.
Dấu hiệu ngộ độc chì
Biểu hiện ngộ độc chì có thể giống với nhiều bệnh khác nhau, ví dụ: nặng thì có thể hôn mê, co giật giống như viêm màng não, viêm não, hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân, hoặc chậm phát triển thể chất, tinh thần giống các bệnh về thần kinh, tâm thần… Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngộ độc chì chỉ biểu hiện ở mức độ kín đáo.
Với khả năng nhận biết của cộng đồng và ngay cả với nhân viên y tế, bác sĩ khi khám bệnh bằng các phương pháp thông thường cũng có thể không phát hiện ra biểu hiện nhiễm độc chì, trừ khi dùng phương pháp xét nghiệm chì trong máu.
Thực tế, các nghiên cứu cho tới nay đã chứng minh, chì máu ở nồng độ gọi là thấp dưới 10 mcg/dL, cũng ảnh hưởng làm chậm phát triển trí tuệ của trẻ.
Ví dụ, một trẻ được sinh ra được coi là có trí tuệ bình thường như trẻ khác (ví dụ: mức độ khá), lượng chì trong máu là 6 mcg/dL. Nhưng nếu lượng chì trong máu của trẻ thấp hơn hoặc không có chì thì trẻ lẽ ra đã thông minh hơn.
Chúng ta đều biết đánh giá mức độ khá và giỏi là khác nhau xa trong thời buổi phát triển như hiện nay, kết quả thi chỉ chênh nhau chút ít là đã ảnh hưởng đến cơ hội thành công của trẻ.
Để chẩn đoán sớm ngộ độc chì, chúng tôi khuyến cáo mọi người không đợi đến khi có biểu hiện nhiễm độc chì rõ, nặng mà phải kiểm tra ở tất cả mọi người có tiếp xúc với các nguồn có chì trong cuộc sống: thuốc cam không rõ nguồn gốc, nghề sản xuất ắc quy, sửa chữa ắc quy, khai thác quặng chì, thiếc…
Cách phòng tránh
BS CKII Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: ngộ độc chì rất nguy hiểm đối với tâm thần, trí tuệ và sự phát triển về thể chất của trẻ. Để phòng tránh ngộ độc chì chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng và sự tham gia của nhiều Bộ, ngành. Các cơ quan cần tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân (khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế của nhà nước và chỉ sử dụng các thuốc được đăng ký lưu hành hợp pháp).
Tăng cường công tác quản lý, sản xuất, lưu thông phân phối và sử dụng thuốc, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm, đồ uống, đồ chơi có dùng sơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký phép của các cơ quan chức năng như: đồ chơi của trẻ, đồ trang sức của trẻ, đồ nội thất gia dụng, đồ chứa nước bằng nhựa.
Di chứng của ngộ độc chì
Các chuyên gia chống đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Hậu quả, di chứng nguy hiểm nhất của ngộ độc chì là với sự phát triển trí tuệ ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngay cả với hàm lượng chì trong máu dưới 10 mcg/dL cũng có thể làm giảm sự phát triển trí thông minh ở trẻ.
Chì cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi, làm chậm phát triển thai, dị dạng thai, rút ngắn thời gian mang thai, tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non. Chì cũng có thể ảnh hưởng làm chậm phát triển thể chất (ở trẻ em), độc với máu và nhiều cơ quan khác.
Nếu tình trạng người bệnh nặng, trong tình trạng cấp cứu (bất tỉnh, co giật) hoặc vừa mới uống thuốc cam chắc chắn có chứa chì thì hãy đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí ban đầu kịp thời.
Nếu tình trạng người bệnh ổn định, có thể đưa người bệnh tới khám tại một số trung tâm y tế như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế…/.