Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù, có thị lực kém
VOV.VN - Theo PGS, TS Nguyễn Chí Dũng, Viện Mắt Trung ương, trong số đó có 1/3 là người nghèo không có tiền điều trị.
Báo cáo dự thảo Kế hoạch Quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2014 – 2019 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa (Bộ Y tế) công bố sáng nay (16/10), cho thấy: Hiện trên thế giới có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp (trong đó ước khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%). Cứ 5 giây, thế giới có 1 người bị mù, cứ 1 phút có thêm 1 trẻ bị mù, 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này).
Tại Việt Nam, năm 2007, một cuộc điều tra dịch tễ học trên diện rộng ở 16 tỉnh, thành cả nước được tiến hành đã cho thấy tỷ lệ mù lòa hiện nay là 3,1%, ở người từ 50 tuổi trở lên (tương đương với tỷ lệ mù lòa chung trên thế giới do WTO báo cáo năm 2011 là 3,18%). Hiện, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù, có thị lực kém, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được)”.
Theo PGS, TS Nguyễn Chí Dũng, Bệnh viện Mắt Trung ương, Thư ký Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay, qua điều tra cho thấy, đục thể thủy tinh là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 66,1% tổng số người mù, sau đó là các bệnh lý đáy mắt (chiếm 16,5%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột…
Trong đó, tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắt khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 30-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần được điều chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó có 2/3 bị cận thị…
Hội thảo xây dựng kế hoạch Quốc gia Phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt giai đoạn 2014 – 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng: 75% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được nếu có phương pháp, kế hoạch, thực hiện tốt. Đối với một con người nếu không nhìn thấy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn, đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta nhưng có thể điều trị được thông qua phẫu thuật…
“Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có lần làm việc với Bệnh viện Mắt Trung ương thấy rằng cần đưa ra chương trình phòng chống mù lòa là chương trình và mục tiêu của Quốc gia”- Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cho biết thêm.
Năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Phòng chống mù lòa (IAPB) đưa ra Kế hoạch toàn cầu và Kế hoạch của khu vực Tây Thái Bình Dương “Hướng tới Sức khỏe toàn diện, nhằm đạt mục tiêu toàn cầu Thị giác 2020”, khuyến cáo và huy động tất cả các nguồn lực cũng như nỗ lực của quốc tế và Chính phủ các nước để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh ở nước trên 50 tuổi trên toàn cầu xuống 25% vào năm 2018 (tức là còn 2,37% so với năm 2010 là 3,18%)./.
Sáng 16/10, diễn ra Hội thảo xây dựng kế hoạch Quốc gia Phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt giai đoạn 2014 – 2019, tại Hà Nội, do Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương, Tổ chức Phòng chống mù lòa (IAPB), Cơ quan viện trợ phát triển của Australia (AusAID) và Quỹ Fred Hollows (FHF) phối hợp tổ chức.
Hội thảo nhằm đánh giá, rà soát lại những vấn đề về thực trạng mù lòa ở nước ta, giải pháp đã và đang thực hiện nhằm chống mù lòa, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm giảm mạnh hơn tỷ lệ mù lòa.