Xoắn tinh hoàn có thể gây vô sinh ở nam giới
VOV.VN - Trung bình mỗi tháng, Trung tâm Nam học-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận và điều trị 8-10 trường hợp bị xoắn tinh hoàn. Số ca mắc bệnh lý này sẽ gia tăng nhiều hơn vào mùa đông xuân.
Lý giải về tình trạng này, BS Nguyễn Duy Khánh – Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết, mùa đông xuân (từ tháng 1 đến tháng 3), nhiệt độ trong nhà ấm nhưng ngoài trời lại lạnh. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này làm cho cơ bìu của nam giới, trẻ em nam bị co lại, tinh hoàn xoắn theo một chiều gây ra tình trạng xoắn tinh hoàn. “Ngoài ra, yếu tố thuận lợi khác dễ gây xoắn tinh hoàn là mùa đông xuân, virus, vi khuẩn phát triển dễ xâm nhập gây viêm tinh hoàn và làm cơ bìu co thắt khiến cho tinh hoàn dễ xoắn hơn. Chính vì vậy, mùa đông xuân là vụ dịch của xoắn tinh hoàn” – BS Nguyễn Duy Khánh nhấn mạnh.
Xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì. Ước tính cứ khoảng 4000 người dưới 25 tuổi thì có 1 người bị xoắn tinh hoàn.
Thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp đến muộn dẫn đến không bảo tồn được tinh hoàn. Trước đây, các trường hợp xoắn tinh hoàn điều trị muộn là do gia đình chủ quan nhưng hiện nay chủ yếu là sự không đồng đều giữa hệ thống y tế các cấp. Để chẩn đoán sớm và đúng về tình trạng xoắn tinh hoàn đòi hỏi bác sĩ lâm sàng phải có kiến thức rất chắc chắn về lĩnh vực tiết niệu và nam khoa. Bên cạnh đó, khi khám cận lâm sàng phải có siêu âm Doppler để đánh giá tinh hoàn có bị cấp máu hay không, xoắn hay viêm thì bác sĩ hình ảnh phải có kinh nghiệm mới đánh giá được.
“Hiện nay, điều này rất thiếu ở tuyến y tế cơ sở. Trong số những trường hợp vừa rồi có nhiều bệnh nhân chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, hoặc thậm chí một số bệnh lý nghe có vẻ không thể nào nhầm được như viêm ruột thừa thì cũng có thể nhầm và cháu đã đến viện muộn và phải cắt tinh hoàn” – BS Nguyễn Duy Khánh cho biết.
Nhưng ở các quý ông đã lập gia đình bị bệnh nặng thường lại do chủ quan. Khi bị đau thì chỉ nghĩ viêm thôi thì tự động uống thuốc hoặc coi đó là bình thường. Ở lứa tuổi này, các quý ông cũng thường chuẩn đoán nhầm bệnh. Ví dụ đau vùng bụng bên trái lại nghĩ đến sỏi niệu quản bên trái còn đau ở bên phải lại cho rằng đau ruột thừa. Khi thấy tinh hoàn nóng, đỏ và đau thì lại nghĩ là viêm tinh hoàn.
Đối với những trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện muộn dẫn đến hậu quả phải cắt bỏ một bên tinh hoàn, BS Nguyễn Duy Khánh khuyên sau phẫu thuật, bệnh nhân cần bảo vệ tinh hoàn còn lại bằng mọi giá “Bao giờ, bệnh nhân cũng phải bảo vệ bộ phận sinh dục của mình thật kỹ, khi chơi thể thao thì chọn môn không có tính chất đối kháng như võ, karate vì nếu chẳng may bị đá vào thì chấn thương tinh hoàn thì gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản”.
Tin vui cho bệnh nhân đã cắt bỏ tinh hoàn đó là nếu bệnh nhân đã đủ 18 tuổi, tinh hoàn phát triển kích thước tối đa thì sẽ được đặt tinh hoàn nhân tạo. Phương pháp này giúp trẻ tự tin hơn khi có bạn gái và kết hôn.
“Cơ quan hành sự” của đàn ông được ví như là thứ vũ khí chứng tỏ bản lĩnh của nam giới. Vì vậy, khi thấy tinh hoàn có triệu chứng đau thì nam giới nên đi khám ngay. Đối với trẻ sơ sinh thì cha mẹ chú ý đến những tiếng khóc giữa đêm của trẻ để đưa con đến cơ sở y tế gần nhất./.