20 năm cuộc chiến Iraq: Giấc mơ hay ác mộng?
VOV.VN - Ngày 20/3 tròn 20 năm kể từ khi Mỹ đơn phương phát động chiến dịch tấn công Iraq, với cái cớ chính phủ quốc gia Trung Đông sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đến nay, dù Mỹ đã chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq, song người dân nơi đây vẫn đang phải khắc phục hậu quả mỗi ngày.
“Tất cả những thập kỷ lừa dối và tàn ác giờ sẽ kết thúc. Saddam Hussein và các con trai của ông ta phải rời Iraq trong vòng 48 giờ. Việc họ từ chối làm như vậy sẽ dẫn đến xung đột quân sự bắt đầu, và thời điểm do chúng ta lựa chọn”.
Một ngày sau tuyên bố đó, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W. Bush đã phát động cuộc tấn công nhằm vào Iraq, với cái cớ là một phần cuộc chiến chống khủng bố sau vụ 11/9, cùng cáo buộc chính phủ Iraq có liên hệ với Al Qaeda và đang chế tạo và che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ngày 20/3/2003, cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc không kích nhằm vào Dinh Tổng thống Iraq tại thủ đô Baghdad, sau đó liên quân do Mỹ dẫn đầu từ Kuwait tiến vào lãnh thổ Iraq bằng đường bộ.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 9/4/2003, liên quân tiến vào thủ đô Baghdad, chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ. Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 1/5/2003 tuyên bố “nhiệm vụ tác chiến hoàn thành”, chuyển sang giai đoạn “xây dựng chế độ dân chủ” ở Iraq. Tổng thống Saddam Hussein bị bắt vào tháng 12/2003 và bị tử hình 3 năm sau đó.
Tuy vậy, sau đó Mỹ vẫn không thể tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào cho các cáo buộc trước đó nhằm vào chính phủ Iraq. Vũ khí hủy diệt không được tìm thấy và những bằng chứng về việc chính phủ Iraq có liên kết với mạng lưới Al Qaeda cũng vậy. Trong khi đó, các nhóm khủng bố khác nhau đã lợi dụng chiến tranh Iraq để mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Đặc biệt là sự hình thành của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, đã lan rộng tại Iraq và các quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, nền dân chủ mà Mỹ hứa xây dựng cho Iraq đến nay vẫn là điều gì đó xa vời.
“Đó là từng là một giấc mơ, song mọi thứ đã biến thành cơn ác mộng sau một năm. Giấc mơ về một đất nước dân chủ đã trở thành cơn ác mộng của một đất nước bị chia cắt. Rất nhiều xung đột, nội chiến và nạn tham nhũng ở khắp mọi nơi”, một người dân Iraq cho biết.
“Người Iraq vẫn đang đau khổ. Chúng tôi vẫn nghèo. Hơn 40% người Iraq vẫn đang ở dưới mức nghèo khổ. Giờ đây, sau 20 năm, một đất nước bán rất nhiều dầu mỏ, hàng trăm tỷ USD đã đổ về đất nước mà người dân vẫn khổ, việc làm không có cho họ. Mọi thứ giống như một vòng luẩn quẩn của sự khổ đau”.
Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế, hơn 1/3 thanh niên Iraq thất nghiệp. Iraq có rất ít việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Hầu hết mọi người muốn làm công chức, song không có đủ vị trí trống để đáp ứng nhu cầu dân số đang tăng nhanh của Iraq.
Còn tại Mỹ, so với 2/3 người dân Mỹ tán thành hành động quân sự tại Iraq năm 2003, sau 2 thập kỷ có tới 61% người dân Mỹ cho đây là một quyết định sai lầm. Hậu quả của cuộc chiến tiếp tục ám ảnh nước Mỹ suốt hai thập kỷ sau đó. Theo Patrick Wintour, nhà phân tích của Guardian, chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn của Mỹ năm 2021 được cho bắt nguồn từ nỗi cay đắng vì thất bại ở Iraq./.