21 quốc gia cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ xâm hại tình dục
VOV.VN- Liên Hợp Quốc “quan ngại sâu sắc” trước việc 21 quốc gia cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình liên quan đến 69 vụ xâm hại tình dục năm 2015.
Theo AFP, thông tin trên được đưa ra trong báo cáo gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon mà hãng tin này nhận được ngày 3/3. Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo này nêu đích danh các quốc gia đưa ra cáo buộc.
Binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung phi. Ảnh AFP
Lính gìn giữ hòa bình ở châu Phi đứng đầu
Đứng đầu “trong danh sách đáng xấu hổ” này là binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Congo với tổng cộng 7 cáo buộc. Vị trí thứ 2 thuộc về Morocco và Nam Phi với 4 cáo buộc đối với mỗi nước.
Đáng chú ý, hầu hết các cáo buộc này đều nhằm vào binh sĩ đang thực thi nhiệm vụ tại châu Phi, bao gồm các nước : Cameroon, Congo, Tanzania, Benin, Burkina Faso, Burundi, Gabon, Niger, Nigeria và Togo. Trong khi đó, cảnh sát gìn giữ hòa bình tại Rwanda, Ghana, Madagascar và Senegal cũng dính phải những cáo buộc tương tự.
Ngoài châu Phi, cảnh sát gìn giữ hòa bình tại Canada, Đức, Moldova và Slovakia cũng bị cáo buộc lạm dụng tình dục trong thời gian thực thi nhiệm vụ.
Báo cáo này nhấn mạnh: “Sự gia tăng số lượng các vụ các buộc như thế này rất đáng lo ngại”. Số lượng 69 vụ nhiều hơn đáng kể so với 52 vụ năm 2014 nhưng không rõ rệt so với 66 của năm 2015.
Cũng theo báo cáo này, ít nhất 22 trẻ em đã bị lực lượng gìn giữ hòa bình lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, con số này còn có thể cao hơn do nhiều trường hợp không xác định được tuổi của các em.
Tuy nhiên, không có vụ cáo buộc xâm hại tình dục nào bị truy tố hình sự trong năm 2015 dù một cảnh sát Canada tham gia gìn giữ hòa bình tại Haiti đã bị đình chỉ làm nhiệm vụ trong vòng 9 ngày.
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, các nước gửi binh sĩ tham gia gìn giữ hòa bình có toàn quyền điều tra và truy tố những binh sĩ có hành vi sai trái khi tham gia làm nhiệm vụ.
Cũng trong năm 2015, Liên Hợp Quốc được thông báo rằng có 10 binh sĩ và 3 cảnh sát gìn giữ hòa bình có thể bị trả về nước và không được tham gia vào bất kỳ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nào trong tương lai.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ không nương tay với những hành vi xâm hại tình dục của các binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ảnh AFP |
Còn trong năm 2014, một binh sĩ bị phạt tù 6 tháng vì đã lạm dụng tình dục một trẻ em trong khi một người khác bị phạt tù 60 ngày. Một binh sĩ khác bị “buộc thôi việc” vì hãm hiếp trẻ em trong khi một quan sát viên bị cảnh báo do có dính líu với gái điếm.
Trước đó, Liên Hợp Quốc đã nhiền lần rúng động bởi nhiều cáo buộc liên quan đến việc binh sĩ gìn giữa hòa bình xâm hại tình dục trong khi đáng lẽ ra nhiệm vụ hàng đầu của họ là bảo đảm an toàn cho dân thường.
Quá dễ dãi với “dâm tặc”
Một ủy ban độc lập hồi tháng 12 đã cáo buộc Liên Hợp Quốc hầu như “nương tay” với rất nhiều vụ hãm hiếp trẻ em dã man tại Cộng hòa Trung Phi dù tổ chức này luôn tuyên bố không bao giờ chấp nhận những hành vi bạo lực tình dục.
Trong số 69 vụ việc nêu trong báo cáo ở trên, có 22 vụ liên quan đến binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung phi trong khi 16 vụ khác liên quan đến binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Congo.
Việc đa số các vụ việc xảy ra ở Cộng hòa Trung phi được lý giải là do các cuộc xung đột bạo lực tại đây đã buộc nhiều phụ nữ và trẻ em gái phải đi bán dâm. Điều này làm tăng nguy cơ họ bị xâm hại.
“Đây là lỗ hổng mà binh sĩ Liên Hợp Quốc có thể lợi dụng”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này, 2 nạn nhân trong các vụ việc nói trên đã có bầu và buộc các binh sĩ gìn giữ hòa bình phải thực thi trách nhiệm làm cha. Tuy nhiên, 25 vụ khác bắt đầu từ năm 2010 vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Báo cáo cũng nêu rõ, 12 binh sĩ, 3 cảnh sát và một nhân viên chính phủ tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong năm 2015 đã không được trả lương sau khi có những cáo buộc đáng tin cậy về việc họ có liên quan đến các vụ xâm hại tình dục.
Để đối phó với điều này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã đề xuất thời hạn 6 tháng để điều tra các cáo buộc về xâm hại tình dục và thành lập ngay các tòa án quân sự để xét xử các binh sĩ vi phạm pháp luật và yêu cầu các nước gửi binh sĩ gìn giữ hòa bình phải gữi mẫu ADN của họ. Bản thân Mỹ cũng đang soạn thảo một dự thảo nghị quyết ủng hộ đề xuất của ông Ban Ki-moon./.