Ai Cập kết thúc trưng cầu ý dân giai đoạn 1
(VOV) - Đợt 2 của cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức tại 27 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 22/12 tới.
Bất chấp các cuộc đụng độ bạo lực ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại Ai Cập về bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi, nhìn chung bầu không khí diễn ra khá yên ắng từ hôm 15/12 đến sáng sớm nay (16/12), tại các địa điểm bỏ phiếu và trên các đường phố.
Tổng thống Mursi sẽ phải thành lập Hội đồng lập hiến khác để sửa đổi dự thảo Hiến pháp và quá trình này có thể kéo dài ít nhất 9 tháng. (ảnh: Reuters) |
Ủy ban bầu cử Tối cao Ai Cập đang tiến hành kiểm phiếu giai đoạn 1. Đợt 2 của cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức tại 27 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 22/12 tới.
Tối 15/12, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập thông báo, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong giai đoạn một cuộc bầu cử khá cao, đồng thời quyết định kéo dài thời gian mở cửa các hòm phiếu thêm 2 tiếng đến 4h sáng 16/12 (theo giờ Việt Nam) do cử tri vẫn tiếp tục đổ dồn về các địa điểm bỏ phiếu. Một thẩm phán tham gia giám sát quá trình bầu cử Morard Shaker nhận xét: “Tất cả các điểm bỏ phiếu đã đóng sau khi người cuối cùng bỏ phiếu. Bây giờ, chúng tôi bắt đầu kiểm phiếu. Sau khi kiểm phiếu xong chúng tôi sẽ thông báo trong bản báo cáo, được dán ngoài các cửa điểm bầu cử. Kết quả cuối cùng sẽ do Ủy ban bầu cử thông báo”.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra trong bối cảnh người dân Ai Cập chia rẽ sâu sắc về bản dự thảo Hiến pháp. Người ủng hộ cho rằng, bản dự thảo này là một bước cải cách to lớn thời hậu Mubarak, có thể đưa đất nước đến ổn định và dân chủ. Phe phản đối sợ rằng nếu được thông qua, phe Hồi Giáo sẽ có thêm nhiều quyền lực, quyền tự do dân chủ sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, đối với phần lớn người dân Ai Cập, điều họ mong muốn nhất đó là sự ổn định của đất nước và lá phiếu sẽ giúp họ thực hiện điều đó.
Báo chí địa phương, các tổ chức nhân quyền và các đảng phái chính trị đối lập cho biết đã có một số hành vi vi phạm quy định như mở cửa khu vực bỏ phiếu muộn, tuyên truyền vận động cử tri trái phép trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, phát tiền cho cử tri, ngăn cấm cử tri người Thiên Chúa giáo vào khu vực bỏ phiếu. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết không xảy ra bất cứ vụ việc nào làm ảnh hưởng đến tiến trình trưng cầu ý dân.
Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao, kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ chính thức được thông báo sau khi kết thúc giai đoạn hai. Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết, kết quả kiểm phiếu sơ bộ và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy "phần lớn" cử tri Ai Cập đã bỏ phiếu thông qua dự thảo hiến pháp. Trong khi đó, một người phát ngôn của lực lượng đối lập tại Ai Cập cho biết khoảng 60-65% cử tri tại thủ đô Cairo và các thành phố khác đã nói “không” với bản dự thảo này.
Theo nhận định của các chuyên gia, với bộ máy vận động được tổ chức tốt của phe Hồi giáo cũng như tâm trạng lo ngại bất ổn kéo dài của nhiều cử tri, nhiều khả năng dự thảo Hiến pháp sẽ được thông qua. Trong trường hợp ngược lại, Tổng thống Mursi sẽ phải thành lập Hội đồng lập hiến khác để sửa đổi dự thảo Hiến pháp và quá trình này có thể kéo dài ít nhất 9 tháng. Tuy nhiên, dù với kết quả gì đi chăng nữa, cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 này kể từ cuộc Cách mạng ngày 25/1 lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, sẽ không thể sớm chấm dứt tình trạng bất ổn và mâu thuẫn phe phái tại đất nước các Kim Tự Tháp./.