Ai Cập: Thành viên Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức
(VOV) - Chính phủ mới của Ai Cập đã được thành lập với 35 thành viên, trong đó có 1 Thủ tướng và 3 phó Thủ tướng.
Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, tối qua (16/6), Chính phủ mới của Ai Cập đã được thành lập. Các thành viên Chính phủ mới đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Adli Mansour, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển giao quyền lực gây tranh cãi tại quốc gia bắc Phi sau cuộc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi ngày 30/6.
Khác với dự đoán của các nguồn tin báo chí Ai Cập cũng như khu vực, Nội các vừa nhậm chức của Thủ tướng Hazim Beblawi có tới 35 Bộ trưởng, nhiều hơn con số 25 Bộ trưởng được dự đoán trước đó. Về cơ cấu, Chính phủ mới có 3 thành viên nữ, phụ trách các Bộ Thông tin, Bộ các vấn đề môi trường và Bộ Y tế và Dân cư. Hơn 1/3 số thành viên đã từng đảm nhiệm trọng trách trong các Chính phủ tiền nhiệm, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Đầu tư.
5 Bộ trưởng mang hàm tướng trong các lực lượng vũ trang Ai Cập là Thượng tướng El Sissi, Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách các vấn đề an ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng; Trung tướng Reda Hafiz, Bộ trưởng Quốc vụ khanh về Sản xuất Quốc phòng; Thiếu tướng Adel Labib, Bộ trưởng Quốc vụ khanh về Phát triển địa phương; Thiếu tướng Mohamed Ibrahim, Bộ trưởng Nội vụ; Trung tướng Abdu El Aziz Fadil, Bộ trưởng Hàng không dân dụng.
Một số gương mặt đáng chú ý khác trong Chính phủ mới của Ai Cập là Nhà ngoại giao kỳ cựu Nabil Ismail Fahmi, cựu Đại sứ Ai Cập tại Mỹ, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao; chuyên gia kinh tế Ahmed Gilal đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính; Thẩm phán Amin El Mahdi giữa chức Bộ trưởng Tư pháp và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Ziad Beha El Din, giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề Kinh tế kiêm Bộ trưởng Hợp tác quốc tế.
Có nhiều thành viên từng tham gia các Chính phủ tiền nhiệm, song trong Nội các mới vừa thành lập của Ai Cập không có nhân vật nào thuộc Đảng Tự do và Công lí của Tổng thống vừa bị truất quyền Mohamed Morsi. Đảng Tự do và Công lí đã từ chối tham gia tiến trình đàm phán thành lập Chính phủ mới vì coi đây là "kết quả của cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Morsi".
Theo đánh giá của giới phân tích, Chính phủ mới của Ai Cập sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn cả về mặt an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, làn sóng phản kháng quyết liệt và sự khước từ hợp tác của Tổ chức Anh em Hồi giáo (tiền thân của đảng Tự do và Công lí), được coi là rào cản lớn nhất đối với mọi nỗ lực hòa giải dân tộc và ổn định xã hội của Chính quyền mới./.