Đại hội đồng WHO thông qua nghị quyết yêu cầu điều tra về Covid-19
VOV.VN - Cuộc điều tra sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng những biện pháp mà Tổ chức Y tế thế giới đã thực hiện khi đối mặt với đại dịch Covid-19.
Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về sự ứng phó của cơ quan này trước đại dịch Covid-19. Văn kiện được toàn bộ 194 thành viên ủng hộ, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Nghị quyết yêu cầu tiến hành “càng sớm càng tốt” một cuộc đánh giá khách quan, độc lập và đầy đủ về phản ứng quốc tế dưới sự điều phối của Tổ chức Y tế thế giới nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, để từ đó cải thiện năng lực phòng ngừa, sự sẵn sàng và phản ứng toàn cầu trước các đại dịch. Cuộc điều tra sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng những biện pháp mà Tổ chức Y tế thế giới đã thực hiện khi đối mặt với đại dịch Covid-19.
Phát biểu ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận cuộc điều tra, đồng thời khẳng định cam kết về một Tổ chức Y tế thế giới minh bạch và có trách nhiệm.
“Tôi cảm ơn các quốc gia thành viên đã thông qua nghị quyết, yêu cầu đánh giá độc lập và toàn diện về phản ứng quốc tế đối với đại dịch Covid-19. Tôi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhiều quốc gia thành viên đã sự ủng hộ và đoàn kết với chúng tôi tại hội nghị này và trong suốt đại dịch. Về phần mình, WHO tiếp tục cam kết minh bạch, trách nhiệm và cải tiến liên tục. Chúng tôi muốn trở thành một cơ quan có trách nhiệm nhất”, ông Ghebreyesus nói.
Đại dịch Covid-19 tới nay đã làm hơn 324.000 người tử vong kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Nghị quyết được thông qua sau những chỉ trích liên tiếp từ phía Mỹ. Đỉnh điểm là việc Nhà lãnh đạo Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới và thậm chí hôm qua còn đe dọa dừng tài trợ vĩnh viễn, cũng như rút khỏi cơ quan này nếu không có sự thay đổi đáng kể trong 30 ngày. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Tổ chức Y tế thế giới.
Tuy nhiên, việc nghị quyết đã được toàn thể các thành viên Tổ chức Y tế thế giới thông qua không có nghĩa là cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc đã được dàn xếp. Trong khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với Tổ chức Y tế thế giới, chỉ trích chính quyền Mỹ tìm cách chối bỏ các nghĩa vụ đối với Tổ chức Y tế thế giới, cũng như phủ nhận nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19, thì Mỹ lại kêu gọi một cơ quan y tế Liên Hợp Quốc minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Về cơ bản, Tổ chức Y tế thế giới cần phải minh bạch hành động của mình, phải làm tốt hơn công việc của mình, phải công bằng hơn với các nước khác, trong đó có Mỹ. Chúng tôi sẽ không có sự liên quan nào với họ nữa và sẽ làm theo cách của riêng mình.”
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng nghị quyết ngày 19/5 phần nhiều mang tính hình thức khi không thể xác định cuộc điều tra như thế sẽ được tiến hành như thế nào và do bên nào dẫn dắt. Một thực tế không thể phủ nhận là nếu như nhiều nước chia sẻ quan điểm hoài nghi của Mỹ, thì ít có nước nào sẵn sàng đi theo Mỹ trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới.
Trong một phản ứng mới nhất, Liên minh châu Âu tuyên bố tiếp tục ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh giờ không phải là lúc để đổ lỗi. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thì tiếp tục chỉ trích những nước đã “phớt lờ các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới” để kiểm tra một cách có hệ thống và cách ly các trường hợp nghi nhiễm, cũng như thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt./.